Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngày càng hiệu quả - Kon Tum: Nguồn thu lớn từ đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:11, 27/12/2022
Tăng thu ngân sách
Kon Tum có nguồn khoáng sản ở mức trung bình với các mỏ đá Quarzit, Sunfua đa kim, vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá, đất san lấp…, đa số các mỏ có trữ lượng không cao, phân bố ở khắp các địa phương của tỉnh, chủ yếu là tại khu vực TP. Kon Tum, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy… Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tiến hành cải cách và đưa những chính sách mới vào công tác quản lý để khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên này.
“Từ năm 2021 đến nay, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước 50 tỉ đồng. Trong đó, 15 tỉ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, 21 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên và 14 tỉ đồng tiền phí bảo vệ môi trường trong khai thác; đồng thời, nguồn khoáng sản khai thác còn phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai”.
Ông Võ Thanh Hải -
Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 74 Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp gồm: 47 mỏ cát sỏi; 1 mỏ đá Quarzit; 19 đá xây dựng; 1 đất san lấp; 5 sét và 1 Sunfua đa kim. Dựa trên những quy định của Luật khoáng sản năm 2010 và bảng giá để đấu giá khai thác khoáng sản, năm 2022 tỉnh Kon Tum đã quy hoạch, lập kế hoạch, tổ chức 4 đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 17 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, phiên đấu giá đợt 4, tổ chức ngày 09/12/2022 đang được Sở TN&MT hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh Kon Tum công nhận kết quả.
Ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết: Qua các đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản những năm gần đây, giá trị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã cao hơn nhiều so với những năm trước. Có những mỏ, giá trị trúng đấu giá tăng gấp 5 lần so với mức giá đưa ra ban đầu. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã làm tăng mức thu quyền khai thác khoáng sản so với không đấu giá. Từ đó, đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Về mặt khách quan, việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá chú trọng công khai, minh bạch, hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho”, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đây được xem là chính sách quan trọng giúp tỉnh Kon Tum thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, nâng cao giá trị nguồn thu cho ngân sách và phát huy tốt được tiềm năng khoáng sản, không gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Nhận diện bất cập
Ông Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kon Tum nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục và hoàn thiện. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 79, Luật Khoáng sản 2010, hình thức đấu giá gồm có: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp chưa thăm dò khoáng sản, nếu đưa vào đấu giá, các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cũng như trúng đấu giá còn đắn đo, e dè đối với giá trị tài sản đấu giá và hiệu quả kinh tế khi đầu tư.
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản để gây khó khăn cho người thực chất có nhu cầu nhằm mục đích trục lợi. Trong khi quy định hiện hành vẫn chưa xác định cụ thể năng lực của người tham gia đấu giá. Do đó, có tình trạng một số mỏ có giá trị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản bị đẩy lên cao bất thường từ 4 đến 5 lần giá trị đưa ra đấu giá, không có hiệu quả kinh tế khi đầu tư, người trúng đấu giá xin trả lại mỏ.
Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tiêu biểu như tại huyện Ngọc Hồi, Kon Rẫy…; công tác phối hợp trong quản lý khai thác khoáng sản giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự được đồng nhất và có hiệu quả cao; nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác chưa chú trọng đến môi trường, chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh Kon Tum đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực không đấu giá do hiện nay không còn phù hợp; yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác; đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, nâng cao hệ số thu hồi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.