EVN triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 11:24, 26/12/2022
Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng. Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng EVN thực tốt nhiệm vụ được giao là bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân với nhu cầu điện tăng trưởng cao và đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước.
Thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, Tập đoàn đã đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị, quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí.
Cụ thể, EVN đã triển khai thực hiện tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ công nhân viên với 80 - 90% mức lương bình quân năm 2020… giúp tiết giảm 9.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, EVN đã thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền: tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của Công ty mẹ - EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỷ đồng. Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy nhiệt điện (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than cho các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện. Đồng thời do sản lượng thủy điện cao hơn kế hoạch ~12,5 tỷ kWh giúp giảm chi phí mua điện của EVN ~15.845 tỷ đồng.
Tối ưu hóa dòng tiền gắn với vận hành tối ưu hệ thống điện, ưu tiên huy động các nguồn giá rẻ, nhờ đó, EVN tiết giảm được chi phí là 33.445 tỷ đồng. Mặc dù, EVN đã nỗ lực cố gắng nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến nên kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.
Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng EVN thực tốt nhiệm vụ được giao là bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân với nhu cầu điện tăng trưởng cao và đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng điện đã đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng ngành công nghiệp và đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo lớn, Tập đoàn đã chỉ đạo tính toán, lập phương thức vận hành hệ thống điện và bám sát tình hình vận hành thực tế để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Đồng thời đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cho phép vận hành hồ chứa linh hoạt để tối ưu tài nguyên nước, vừa đảm bảo đủ điện, vừa giảm chi phí vận hành các nguồn điện.