Bò sữa TH giúp phát triển sinh kế người dân huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:17, 23/12/2022

Ngày 21/12, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và Tập đoàn TH đã ký kết văn bản thỏa thuận khung với UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) về liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ngay sau lễ ký kết, những con bò sữa cao sản thuần chủng HF từ trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung công nghệ cao của TH tại Nghĩa Đàn đã được bàn giao cho các hộ nông dân huyện Cát Tiên.

Tìm sinh kế mới cho người dân huyện nghèo Cát Tiên

Lễ ký kết diễn ra đúng một tháng sau thời điểm Hội nghị triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW Bộ Chính trị về phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên được tổ chức tại Đà Lạt. Tại đây, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, đã hiến kế phát triển Tây Nguyên trên 4 lĩnh vực, trong đó có phát triển đại chăn nuôi đưa người nông dân cùng đi theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín.

anh-1(3).jpg
TH và Dalatmilk sẽ hỗ trợ người nông dân Cát Tiên phát triển ngành chăn nuôi bò sữa.

Hợp tác giữa UBND huyện Cát Tiên và Tập đoàn TH xuất phát từ mong muốn của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tạo nguồn lực phát triển mới, tìm sinh kế mới cho người dân tại khu vực các huyện phía Nam của tỉnh. Tập đoàn TH, thông qua Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt, đã đề xuất phát triển đàn bò sữa trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của Cát Tiên về vùng nguyên liệu và điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của nông hộ, chuyển đổi đàn bò thịt, phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tạo thành vùng nguyên liệu sữa với sản lượng lớn, chất lượng cao, đảm bảo tính ổn định, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Từ những góp ý của Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt, UBND huyện Cát Tiên đã xây dựng, ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 19/5/2022 về Đề án phát triển chăn nuôi Bò sữa trên địa bàn huyện Cát Tiên giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đến năm 2025. Theo đó, định hướng sẽ nâng tổng đàn bò sữa đạt trên 2.700 con. Đến năm 2030, tổng đàn khoảng 8.000-10.000 con; sản lượng sữa bình quân trong chu kỳ khai thác sữa khoảng 80 tấn sữa/ngày.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hoàng Phúc- Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò 15-18% về ngân sách, đồng thời Ngân hàng chính sách cũng hỗ trợ cho vay 16-18%".

Theo ông Phúc, huyện Cát Tiên sẽ chuyển đổi phương thức xuất, từ chăn nuôi bò thịt quảng canh nhỏ lẻ trước đây, sang chăn nuôi bò sữa trang trại gia trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tăng lợi nhuận cho người nông dân, thực hiện chương trình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững trên địa bàn.

"Việc ký kết với Tập đoàn TH và Dalatmilk từ sản xuất cho đến hợp đồng tiêu thụ đảm bảo giá sản phẩm giữa công ty và người dân, Cát Tiên hoàn toàn yên tâm trong phát triển, chăn nuôi bò sữa"- ông Phúc nhận định.

anh-2(3).jpg
Các đại biểu thăm quan mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại đầu tiên tại Cát Tiên do Tập đoàn TH hỗ trợ xây dựng, cung cấp con giống.

Đánh giá về sự hợp tác giữa hai bên, ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu chăn nuôi của huyện Cát Tiên chiếm tỷ trọng 26%, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Với tiềm năng, kinh nghiệm của người dân trong chăn nuôi, hiện nay Cát Tiên đi đầu trong chăn nuôi các giống bò thịt như bò vàng, bò BBB, tổng đàn bò khoảng 9.500 con. Do vậy, xác định đưa con bò sữa về Cát Tiên chính là bước đột phá để thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống cây trồng vật nuôi".

Theo ông Châu, trước khi triển khai, địa phương đã có khảo sát đánh giá, các chuyên gia của TH cũng đã đánh giá và xác định Cát Tiên có đủ tiềm năng, lợi thế về điều kiên thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu để có thể phát triển đàn bò sữa lên cao nhất ở mức 10.000 con, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn.

Bàn giao ngay 500 con bò sữa cao sản hỗ trợ nông dân

Ngay tại lễ ký kết, những con bò sữa cao sản thuần chủng HF đang mang thai 3 tháng của TH từ trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao ở Nghĩa Đàn, Nghệ An đã được bàn giao về các khu vực chuồng trại của nông hộ tại huyện Cát Tiên. Đây là những con bò giống cho năng suất cao đầu tiên trong đợt 500 con được TH tuyển lựa để hỗ trợ cho nông dân huyện Cát Tiên.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn TH (thông qua Dalamilk) sẽ đảm bảo nguồn giống bò sữa có chất lượng cao để cung ứng cho người nông dân chăn nuôi bò sữa. Theo đó, TH hỗ trợ trả góp 50% kinh phí mua giống bò sữa cho nông dân (khi thu mua sữa, doanh nghiệp khấu trừ dần vào giá sữa trong thời gian 2-3 năm). Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt sẽ xây dựng các trạm thu mua, bảo quản, vận chuyển và chế biến sữa đảm bảo phù hợp với quy mô đàn bò sữa; đảm bảo thu mua 100% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Cát Tiên sản xuất trong vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa của huyện theo hợp đồng tiêu thụ sữa tươi.

anh-3(3).jpg
500 con bò sữa cao sản HF đầu tiên từ trang trại TH ở huyện Nghĩa Đàn được đưa về Cát Tiên.

Bên cạnh đó, Dalatmilk sẽ phối hợp với UBND huyện Cát Tiên hình thành Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa huyện Cát Tiên để làm đầu mối ký hợp đồng kinh tế liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm sữa nhằm đảm bảo tuần hoàn, khép kín từ đầu vào đến đầu ra theo chuỗi giá trị.

Các lớp tập huấn cũng được tổ chức thường xuyên để bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi - thú y đối với bò sữa cho các hộ nông dân; cung cấp nguồn tinh đông viên bò giống sữa chất lượng cao (ưu tiên tinh chọn lọc giới tính); tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo và cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

Để đảm bảo phát triển đàn bò bền vững và phát triển sinh kế lâu dài cho người dân, Dalatmilk nhận trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn hoặc cung cấp cho các hộ chăn nuôi bò sữa các loại thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, thức ăn vi lượng đảm bảo chất lượng sữa theo đúng tiêu chí kỹ thuật, cũng như cung cấp nguồn hạt giống và kỹ thuật canh tác các loại cây, cỏ làm thức ăn cho bò sữa để các hộ chăn nuôi bò sữa có thể xây dựng đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh và chủ động dự trữ thức ăn ủ chua cho đàn bò của mình.

Ông Nguyễn Văn Châu- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Sau sự đi đầu trong phát triển đàn bò sữa của huyện Cát Tiên, tới đây tỉnh có định hướng sẽ mở rộng ra cho 3 huyện phía Nam của tỉnh có điều kiện tương tự. Chúng ta có niềm tin như vậy vì điều kiện ở Lâm Đồng còn tốt hơn tỉnh miền Tây như Sóc Trăng, Hóc Môn (TP.HCM), Long Thành (Đồng Nai). Với việc doanh nghiệp cho vay 50% ứng trước để mua bò và cam kết xây dựng ở đây trạm thu mua sữa, người nông dân Cát Tiên có thể hoàn toàn yên tâm nuôi bò sữa".

Về phía TH, ông Vijay Kumar Pandey, đại diện HĐQT Tập đoàn, chia sẻ: "Lễ ký kết mở ra cơ hội hợp tác giữa Huyện Cát Tiên và Tập đoàn TH, nhưng quan trọng hơn là qua đó, chúng tôi được góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện và phát triển sinh kế cho người dân địa phương. TH là doanh nghiệp đã tạo ra cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại VN, theo số liệu thống kê năm 2022 này TH tiếp tục giữ vững thị phần sữa tươi số 1 tại Việt Nam".

Ông Vijay Kumar cũng cho biết: Với tư duy của Nhà Sáng lập Thái Hương là kết hợp tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt với công nghệ cao và khoa học quản trị hàng đầu thế giới, TH hiện đã có đàn bò tiệm cận 70.000 con, xác lập kỷ lục thế giới cụm trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao, có quy trình khép kín lớn nhất.

Theo vị đại diện, từ nay đến đầu năm 2023 TH sẽ bàn giao 500 con giống đầu tiên, nhưng tất cả chỉ là sự khởi đầu. Tập đoàn TH thông qua Dalatmilk sẽ có nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ người dân phát triển đàn bò sữa phù hợp với đặc thù của địa phương.

Minh Phúc