Minh bạch các khoản thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 12:35, 23/12/2022

(TN&MT) - Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, nhưng vẫn có nhiều vấn đề liên quan đến minh bạch hóa các khoản thu ngân sách và các giải pháp quản lý hiệu quả. Áp dụng Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI) đã cho thấy tiềm năng lớn trong tăng cường hiệu quả công tác nguồn thu.
images1902083_23_ksan_1(1).jpg
Nhu cầu về minh bạch trong ngành khai khoáng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị

Hoạt động khoáng sản thu hút vốn đầu tư khá lớn

Theo PGS.TS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với khoảng 5.000 mỏ và tụ khoáng của gần 60 loại hình khoáng sản khác nhau, một số khoáng sản có trữ lượng rất lớn (ilmenite, bauxite,...), là tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và sự phát triển quốc gia. Theo phân loại khoáng sản thường dùng (phân loại theo tính chất, công dụng), Việt Nam có các nhóm khoáng sản: Khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại (khoáng sản phi kim), khoáng sản nhiên liệu và tài nguyên nước.

Các nhóm khoáng sản trên có sự phân bố nhất định trên lãnh thổ Việt Nam. Về tính đa dạng, các khoáng sản kim loại rất đa dạng ở miền Bắc, trong khi miền Nam tập trung nhiều các loại khoáng sản không kim loại. Nguyên nhân sự khác biệt tính đa dạng này do lịch sử phát triển địa chất, miền Bắc với các quá trình địa chất lâu dài và phức tạp hơn miền Nam. Điều kiện địa chất cũng ảnh hưởng đến trữ lượng mỏ khoáng sản, điều kiện địa chất thích hợp có thể hình thành những mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn như bauxite ở Nhân Cơ (Đắk Nông), ilmenite ở Bình Thuận, ruby và đá quý ở Lục Yên (Yên Bái).

Theo các số liệu thống kê, hàng năm hoạt động khai thác khoáng sản chiếm khoảng 7% giá trị tổng sản phẩm quốc nội. Các hoạt động khoáng sản thu hút một khối lượng vốn đầu tư khá lớn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, có tổng cộng 97 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép, thu hút tổng vốn đầu tư 4.448,3 triệu USD.

PGS.TS. Huỳnh Quyền cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực đạt được trong quá trình quản lý ngân sách nhà nước, vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề thu chi nguồn ngân sách nhà nước sao cho hợp lý. Việc thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với những quy định cụ thể về thủ tục hành chính thuế cũng như việc xử lý vi phạm công minh đã tạo cho người nộp thuế có ý thức hơn trong việc thực hiện trách nhiệm của mình và tuân thủ chính sách pháp luật thuế.

Tuy nhiên, thực trạng về tình hình khai thác và quản lý trên cũng có mặt hạn chế là việc kê khai nộp các loại thuế, phí bảo vệ môi trường… của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào bản thân doanh nghiệp, chưa thật sự đảm bảo tính minh bạch và có thể dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước, gây mất công bằng trong kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, hậu quả lớn nhất là ngân sách không có đủ tiền để tái lập lại môi trường thiên nhiên do hậu quả của việc khai thác để lại.

Đề xuất giải pháp về quản lý

Nhằm khắc phục những vấn đề trên và đảm bảo minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản, PGS.TS. Huỳnh Quyền đề xuất giải pháp về quản lý. Theo ông, từ khi ban hành Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện. Nhu cầu về minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị. Hiện Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, dầu khí bao gồm các quy định về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và quản lý thu - chi ngân sách.

Một trong những khâu quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch là cần phải có một cơ chế quản lý, giám sát hoạt động khai thác hợp lý, có hiệu quả. Các quy định này sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.

Ông cho rằng, các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu công khai thông tin dữ liệu trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Các cơ quan nhà nước như Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục thuế, Cơ quan hành chính công đã công khai các thông tin tiếp nhận hồ sơ, giấy phép hoạt động khoáng sản. Quy trình và trình tự thực hiện việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác được thực hiện đảm bảo công khai, công bằng theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc công khai còn chậm trễ, không được cập nhật thường xuyên, cũng chưa có quy định pháp luật và chế tài xử lý các hành vi chậm công khai và chậm cập nhật thông tin.

Một đề xuất giải pháp tăng cường sự minh bạch được đề xuất là ban hành quy chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, thông tin liên quan đến nguồn thu – chi một cách công khai trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và của các cơ quan nhà nước. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp khoáng sản thực hiện nghĩa vụ công khai, minh bạch.

PGS.TS. Huỳnh Quyền dẫn chứng, trên thế giới, dựa trên nguyên tắc công khai, đối chiếu số liệu và nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khai thác khoáng sản và các bên liên quan đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ tích cực, chống thất thu ngân sách và đặc biệt làm giảm các xung đột lợi ích - xã hội. Một trong số đó là Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI).

EITI được đề cập từ năm 2002, qua nhiều giai đoạn phát triển và đến nay có 57 quốc gia thành viên. Nguyên tắc của sáng kiến EITI là công khai, minh bạch các thông tin liên quan trong chuỗi giá trị khai thác từ giai đoạn cấp phép đến phân bổ nguồn thu hay những đóng góp cho kinh tế xã hội của lĩnh vực khai khoáng, cụ thể: Hợp đồng và giấy phép, Dữ liệu sản xuất, Thu thuế, Phân bố nguồn thu, Đóng góp cho kinh tế và xã hội. Để thực hiện vai trò của mình, các quốc gia thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn chung. Bộ tiêu chuẩn được rà soát và bổ sung sau một khoảng thời gian và hiện nay đang áp dụng Bộ tiêu chuẩn EITI 2019.

Mai Đan