Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:00, 23/12/2022

(TN&MT) - Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
trung-canh.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Tài nguyên và Môi trường

Dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Về phía ngành Tài nguyên và Môi trường có Bộ trưởng Trần Hồng Hà; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố.

Năm 2022 đầy khó khăn do tác động của đại dịch covid, suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng sắp đi qua. Ngành Tài nguyên và Môi trường rất tự hào nhìn lại những thách thức đã vượt qua và những thành tựu, đóng góp của ngành cho phát triển của đất nước, mỗi người dân, doanh nghiệp bằng sự chung sức, đồng lòng, phối hợp hiệu quả và tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, tư duy thời đại đã có những quyết sách quan trọng và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường; chủ động hội nhập với xu thế phát triển của thế giới để chuyển hóa các thách thức, tận dụng các thời cơ đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, trở thành một hình mẫu trong phát triển bền vững; giúp các sản phẩm made in Việt Nam vượt qua các rào cản về môi trường, tiêu chuẩn về phát thải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và động lực tăng trưởng mới, mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho đất nước. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”.

small_bt-thh.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng.…

“Sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương và hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã tiếp thêm động lực to lớn cho ngành Tài nguyên và Môi trường vượt qua những khó khăn, thách thức triển khai toàn diện nhiệm vụ năm 2022, qua đó tạo thế và lực để hướng đến năm 2023 với tâm thế mới cùng với sự lạc quan, tin tưởng vững chắc vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm 2021-2025.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ và toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, cảm ơn những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mỗi vị trí công tác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành và sự phát triển chung của đất nước.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Theo Bộ trưởng, năm 2023, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, môi trường; xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược của các cường quốc, các “luật chơi” mới trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, phát thải sẽ tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó ngành tài nguyên và môi trường cần phải phát huy hơn nữa tinh thần “chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội; tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, xu thế của thời đại; đổi mới, cải cách đồng bộ thể chế khơi thông, giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ cho tương lai bền vững đất nước, nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa.

Hai là, chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.

Ba là, triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng; thí điểm, nhân rộng các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do BĐKH.

Bốn là, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

Năm là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15% - 20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.

Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành tài nguyên và môi trường thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, tại hội nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các đồng chí Lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó cùng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công năm 2023.

Sau phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị nghe báo cáo kết quả công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành tài nguyên và môi trường; Báo cáo về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của ngành Tài nguyên Môi trường; phát biểu của đại diện Lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; công bố và trao tặng các Quyết định khen thưởng. Đặc biệt, Hội nghị sẽ nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các ý kiến đóng góp của đại diện các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương về triển khai nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc nội dung Hội nghị trong các bản tin tiếp theo.

Khương Trung - Thủy Nguyễn - Trường Giang