Fs - “Chìa khóa” mở tương lai cho tái chế xanh

Môi trường - Ngày đăng : 11:04, 20/12/2022

(TN&MT) - Nếu như phát triển ngành tái chế hiệu quả, tái chế xanh là một trong những mục tiêu quan trọng khi thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hướng đến kinh tế tuần hoàn thì Fs là chìa khóa để thực hiện mục tiêu đó. Báo TN&MT ghi lại các ý kiến của một vài chuyên gia và đại diện doanh nghiệp để bạn đọc theo dõi
hoang-thanh-vinh-ct-lhq-1-.jpg

Ông Hoàng Thành Vĩnh - Cán bộ Chương trình Phát triển LHQ (UNDP):

Xây dựng chi phí tái chế theo tính chất chế tài

Phải khẳng định rằng, việc đưa ra một chi phí tái chế chuẩn thực sự là một thách thức. Dù các chuyên gia đã tính đến việc xây dựng chi phí tái chế dựa trên đặc thù, quy mô của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi phí tái chế còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như vùng miền, công nghệ, thị trường… Từ các yếu tố đó, hầu hết các cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu đều thống nhất: “chi phí tái chế cơ bản thông thường không được quy định ở cấp độ chính sách quốc gia mà phụ thuộc rất nhiều vào các bên thứ 3 (các công ty tái chế chuyên nghiệp)”.

Mặt khác, cũng giống như Hàn Quốc, chúng ta đang quy định rõ các trường hợp sẽ áp dụng chi phí tái chế. Đó là các doanh nghiệp không tự mình tái chế hoặc không thông qua bên thứ 3 để tái chế.

Trong khi đó, muốn phát triển ngành tái chế, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp và các bên thứ 3 tham gia vào thị trường này. Các doanh nghiệp, một mặt cần thay đổi công nghệ sản xuất, lựa chọn sản phẩm nhập khẩu thân thiện môi trường. Một mặt cần tự phát triển hoặc liên kết với công ty tái chế để nâng cao hiệu quả tái chế sản phẩm, bao bì. Từ những lí do trên, chúng tôi ủng hộ việc áp dụng chi phí tái chế (Fs) cao hơn trong dự thảo.

Khi chi phí này áp ở mức cao hơn hiện tại, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc và lựa chọn tự tái chế hoặc ủy quyền cho bên thứ 3 thay vì đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường để thực hiện nghĩa vụ này. Từ đó góp phần thúc đẩy ngành tái chế chuyên nghiệp.

Hiện, chúng tôi đang học tập Ấn Độ để triển khai mô hình cơ sở thu hồi vật liệu tái chế tại Bình Định. Bước đầu, mô hình này đã có kết quả khả thi.

2fffef718c11544f0d00.jpg

Ông Huỳnh Ngọc Thạch - Giám đốc điều hành Công ty nhựa tái chế Duy Tân:

Từ chi phí tái chế đẩy mạnh kiểm soát thị trường

Với vai trò nhà tái chế nhựa, khi điều hành tái chế và sản xuất nhựa tôi nhận thấy các công ty làm về tái chế ở Việt Nam có nhiều điểm khác với các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc.., trong đó, nguồn nguyên liệu là điểm khác biệt lớn nhất.

Chính vì vậy, khi tính chi phí tái chế (Fs), chúng ta có thể bỏ qua yếu tố công nghệ, thị trường nhưng nhất định phải tập trung vào những biến động của nguồn nguyên liệu đầu vào khi tái chế.

Tại sao chi phí nguyên liệu đầu vào ở thị trường Việt Nam liên tục thay đổi? Đó là do chúng ta chưa có một hệ thống thu gom bài bản và hoàn chỉnh. Việc phân loại rác còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, chúng ta chưa có những chế tài, quy định về giá cả đối với rác thải. Chính vì vậy, Việt Nam cũng như bản thân Công ty Duy Tân cũng không thể kiểm soát được giá nguồn nguyên liệu. Chúng ta đang đang “thả nổi” giá nguồn nguyên liệu đầu vào, để thị trường quyết định sự lên xuống khiến chúng ta mất kiểm soát nó.

Theo đó, chi phí EPR chúng ta đưa ra phải đánh vào trọng tâm để những công ty, đối tượng chịu sự tác động của EPR có thể hỗ trợ cho việc thu gom, hỗ trợ ổn định giá nguyên liệu. Mặt khác, cần tính toán sao cho chi phí Fs không được thấp hơn so với chi phí mà hiện nay các doanh nghiệp phải chi trả cho các công ty xử lý chất thải rắn. Chỉ như vậy, các doanh nghiệp mới tự thay đổi phương thức sản xuất cũng như thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường.

tran-van-hieu-pgd-lagom-viet-nam-1-.jpg

Ông Trần Văn Hiếu - Phó Giám đốc Lagom Viet Nam:

Cần quy hoạch hệ thống thu gom hoàn chỉnh và chính thống

Tôi đồng ý với đề xuất chi phí Fs cần tính cao do chi phí này cần đủ cho các chi phí vận hành tái chế và thu gom. Với nội dung doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, tôi thấy điều này rất khó để thúc đẩy việc tái chế. Đối với những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, nhiều khả năng họ sẽ chọn đóng góp tài chính bởi họ không thể thực hiện thu gom hết theo tỷ lệ yêu cầu được. Theo đó, đề xuất nghiên cứu phương án có thể vừa đóng góp quỹ tài chính, vừa thực hiện việc thu gom tái chế. Phương án này có thể thúc đẩy họ xây dựng được lộ trình tái chế, ban đầu có thể đóng hoàn toàn quỹ sau đó dần dần tổ chức thu gom tái chế bài bản.

Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào cho tái chế hiện nay đang được thu gom bởi lực lượng phi chính thức là đồng nát, ve chai, các làng nghề thủ công. Là một đơn vị thu gom chuyên nghiệp, chúng tôi rất khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu với lực lượng này.

Chính vì vậy, định mức chi phí tái chế cần tính toán đúng, đủ, phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó khuyến khích doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các đơn vị tái chế chuyên nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, đồng thời, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.

Phúc Khang - Phương Hà (lược ghi)