Sông Mã (Sơn La): Đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên cát, sỏi
Khoáng sản - Ngày đăng : 10:03, 22/12/2022
Theo danh mục Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng 2030, trên địa bàn huyện Sông Mã có 30 điểm mỏ khoáng sản cát đã được quy hoạch nằm dọc theo dòng sông Mã.
Đến nay, 9 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc khai thác cát làm VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên với tổng diện tích trên 15ha tại 5 xã; 5 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cho Công ty Cổ phần xúc tiến đầu tư Thành Nam khai thác cát làm VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên với tổng diện tích trên 38ha tại 3 xã. Ngoài ra, 8 điểm mỏ được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường; 8 điểm mỏ đang được UBND huyện đề nghị đấu giá quyền khai thác cát làm VLXD thông thường.
Là đơn vị được cấp phép khai thác tại 9 điểm mỏ trên địa bàn các xã Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Khương, trữ lượng khai thác trên 36.000m3/năm, Chi nhánh Cát Sông Mã thuộc Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc đã đầu tư hệ thống camera để theo dõi, cử người thường xuyên kiểm đếm số xe ra vào mỏ, tránh thất thoát tài nguyên. Đảm bảo hoạt động khai thác đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật, đúng tọa độ, diện tích, trữ lượng, công suất theo quy định. Đơn vị cũng đã được các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định trong khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Bà Lò Thị Bạch - Trưởng phòng TN&MT huyện Sông Mã cho biết: Thời gian qua, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Giao Phòng TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Tăng cường nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp để phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Hằng năm, tổ chức Hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 19 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia khai thác cát sỏi trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng thăm dò, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép và yêu cầu các hộ gần khu vực có khoáng sản ký cam kết chấp hành nghiêm theo quy định.
Cùng với việc rà soát, bổ sung các điểm mỏ vào Quy hoạch khoáng sản, huyện Sông Mã cũng đã triển khai rà soát, cập nhật các điểm bến bãi tập kết khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sông Mã với tổng diện tích trên 11ha.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Duy trì Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép. Giao Phòng TN&MT phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Trong năm, đã kiểm tra, xử lý được 12 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển khoáng sản cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, Sông Mã sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, vượt quá trọng tải gây hư hại hệ thống giao thông và xử lý nghiêm các điểm tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên toàn huyện.