Kỷ niệm 78 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) - Tôi đi chiến dịch Bù Bông

Xã hội - Ngày đăng : 10:03, 22/12/2022

(TN&MT) - Đầu năm 1973, đơn vị tôi tham gia đánh chống lấn chiếm ở khu vực Bàu Bàng - Lai Khê, rồi phối thuộc với Sư đoàn 7, đánh chiến đoàn 8 của địch ở gần bìa lô cao su Dầu Tiếng. Sau trận Dầu Tiếng, chúng tôi rút về căn cứ ở Trà Thanh - Bình Long. Khoảng tháng 7/1973, tôi được gọi đi trinh sát Bù Bông.

Khi đi trinh sát Bù Bông, tôi là phụ trách Trung đội trưởng Chỉ huy của Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 28. Lần ấy Đại đội 4 chỉ có mình tôi đi cùng với trinh sát của Tiểu đoàn, là đồng chí Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Tịch.

13-1-.jpg

Trung đội trưởng Nguyễn Văn Cự (bên phải) và đồng chí Nguyễn Xuân Tịch - Trung đội trưởng trinh sát trong chiến dịch Bù Bông gặp nhau sau 30/4/1975

Trinh sát chúng tôi ra tới đường rẽ về Trung đoàn bộ 28 thì đồng chí Đề - Trưởng Tiểu ban trinh sát Trung đoàn đã chờ sẵn ở ngã ba nhập vào đi cùng. Đoàn đi trinh sát do đồng chí Đề chỉ huy, cán bộ đại đội có đồng chí Hữu - Đại đội trưởng Đại đội 5, đồng chí Tịch là Trung đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn, tôi là quyền Trung đội trưởng trinh sát Đại đội 4 và các trinh sát viên Tiểu đoàn bộ. Chúng tôi đi từ Trà Thanh lên Cầu Trắng, rồi Bù Đốp, qua sông Đa Quýt (Đak Huýt), Bù Gia Phúc, Bù Gia Mập, đến Đồi chè thuộc Bù Bông thì dừng lại. Để đến được Đồi Chè, chúng tôi đi mất khoảng 5 ngày.

Đến Đồi Chè đã có Trung đoàn bộ binh 271 làm nhiệm vụ chống địch lấn chiếm ở khu Bù Bông - Tuy Đức. Trung đoàn 271 năm 1972 có hoạt động ở biên giới Việt Nam - Campuchia (khu vực Tây Ninh - Long An), sau đó được điều lên đây.

Nhiệm vụ của chúng tôi đầu tiên là đi trinh sát yếu khu Bù Bông, một căn cứ lớn của địch thuộc huyện Kiến Đức, tỉnh Gia Nghĩa hồi đó. Ý đồ của địch xây dựng căn cứ ở Bù Bông là muốn kiểm soát vùng giáp biên Việt Nam - Campuchia và đường vận chuyển vào chiến trường miền Nam của ta. Ở Bù Bông, chúng xây dựng hệ thống hầm hào khá kiên cố, hỏa lực có 4 khẩu 105 ly. Căn cứ Bù Bông được địch bố trí trên một khu đồi có độ cao hơn 900m so với mực nước biển. Mục tiêu Bù Bông rất khó cho trinh sát pháo chúng tôi đo đạc, vì nơi đây là rừng núi cao, dốc, xung quanh gần chốt là những đồi thấp hơn.

13-3-.jpg

Anh em Trạm sửa chữa xe, pháo tại chiến trường Campuchia

Ngày đầu chúng tôi đến Cao điểm 982, nhìn thấy mục tiêu nhưng khá xa. Tiếp tục sang hướng phải của 982 có một quả đồi thấp hơn, chỉ cỏ mọc trên đỉnh, ở đây cũng nhìn thấy mục tiêu Bù Bông nhưng vẫn ở cự ly xa. Cả hai địa điểm nhìn thấy mục tiêu đều không có địa hình triển khai giao hội mục tiêu, địa điểm thứ hai còn khó móc được tọa độ gốc. Không giao hội được.

Tôi tham mưu cho anh Đề, trường hợp không giao hội được thì ở 982, mình tiến hành đo một số góc phương vị về mục tiêu rồi xác định tọa độ tại 982 lên và kẻ một góc phương vị, cạnh của góc phương vị chạm vào đâu ở Bù Bông sẽ lấy đó là tọa độ mục tiêu. Sở dĩ tôi suy luận thế vì từ 982 nhìn vào mục tiêu như nhìn qua thung lũng dài, đồi Bù Bông và 982 cao ngang nhau. Việc anh Đề có áp dụng hay không là bí mật của chỉ huy, tôi không được phép biết, nhưng có đo dự phòng các góc phương vị từ 982.

Bù Bông lúc đó là mùa mưa, nấu cơm rất khó, củi khô ngấm nước, khi nấu khói nên không sử dụng được, do vậy phải lấy những cây tươi nhưng là gỗ cứng chẻ nhỏ rồi dựng quanh bếp, củi trước cháy củi sau khô, nấu được bữa ăn rất vất vả. Khổ nữa là vắt, vắt ở Bù Bông nhiều như lá cây rừng, không ai không khỏi bị vắt hút máu, không cẩn thận vắt chui khắp người. Có những đoạn đường vắt ngo ngoe đầy hai bên đường, cả dưới đất lẫn trên cây. Chúng tôi mỗi người phải tự tạo ra dụng cụ để gỡ vắt. Đó là một cái que dài chừng 30cm, một đầu kẹp một bọc vải to bằng ngón chân cái, bên trong vải là thuốc rê, xà bông bột, muối. Khi vắt bám vào thì dùng que gạt nó đi chứ không dùng tay bắt vứt đi được, ấy vậy mà vẫn bị chúng cắn. Trên đường đi, nếu ngang qua con suối, mọi người sẽ dừng lại, đứng dưới lòng suối để kiểm tra vắt trên người chứ không thể đứng trên đất mà kiểm tra được. Đường đi thì dốc và trơn, thỉnh thoảng dép “trèo” lên mu bàn chân, nếu không may ai bị dép tuột quai thì khổ, dừng lại để xỏ quai dép khác nào làm mồi cho vắt.

Sau khi đi trinh sát Bù Bông xong, chúng tôi quay sang trinh sát chốt ngã ba Tuy Đức. Trinh sát xong 2 mục tiêu, tôi về đến Đại đội 4 ở Bù Đốp thì đơn vị cũng đã di chuyển từ Trà Thanh lên đây rồi.

Tại Bù Đốp, đơn vị tổ chức huấn luyện thường xuyên, sinh hoạt bình thường. Đơn vị ở Bù Đốp khoảng hai tháng, địa điểm đóng quân trong rừng cao su. Nơi đây gắn với một kỷ niệm đặc biệt không bao giờ tôi quên được. Đó là, chúng tôi được trên thông báo Trung đoàn 208 Pháo binh của chúng tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đây là một vinh dự lớn cho toàn thể cán bộ chiến sĩ Trung đoàn.

Sau một thời gian ở Bù Đốp, khoảng cuối tháng 10, chúng tôi bắt đầu hành quân ra Bù Bông. Khoảng thời gian đó, song song với việc Trung đoàn 271 đánh chiếm được chốt ngã ba Tuy Đức thì Trung đoàn 429 cùng Trung đoàn 205 cũng đánh chiếm được căn cứ Bù Bông.

Bù Bông giải phóng, Đại đội 4, Tiểu đoàn 7 của tôi vào tiếp quản chiến lợi phẩm pháo 105 ly. Riêng tôi sau đó lại được phân công đi tăng cường cho Đại đội 6 đánh chiếm Đăk Song. Sau khi chiếm được chốt Đăk Song, Đại đội 6 tiếp tục phối thuộc với Trung đoàn 271 chốt chặn để giữ Đăk Song. Nhiệm vụ cối 120 của Đại đội 6 là chi viện giúp cho bộ binh 271 giữ vững chốt, không cho địch tái chiếm Đăk Song.

Tôi đi tăng cường cho Đại đội 6 một thời gian thì về lại Đại đội 4, vào đúng thời điểm anh em đang nghiên cứu sử dụng pháo 105 ly đặt ở gần ngã ba đường 10k chạy từ Campuchia sang Việt Nam. Lần đầu Đại đội 4 sử dụng pháo 105 ly (khả năng là pháo thu được của địch ở Bù Bông). Nhiệm vụ của pháo 105 ly cũng chi viện cho Trung đoàn 271 nhưng chủ yếu là hướng Đại đội 19 Công binh. Đại đội 4 hồi đó không tổ chức đài quan sát mà chủ yếu bắn theo yêu cầu của bộ binh chỉ dẫn, nghĩa là bộ binh cho tọa độ bắn và báo lại kết quả để chỉnh sửa.

Chúng tôi ở khu vực Bù Bông mãi tới qua Tết năm 1974, nghĩa là phải sang tháng 3 năm 1974 gì đó mới rút khỏi Bù Bông để quay về Trà Thanh, Bình Long. Thời gian ở Bù Bông, ngoài chuyện chiến đấu ra cũng có nhiều chuyện để nhớ.

Chuyện thứ nhất là đói. Không biết sao hồi đó lương thực của ta khó khăn. Hậu cần không có nguồn gạo để cấp cho bộ đội, nên có thời điểm cấp hạt sen già khô thay gạo. Bộ đội không biết làm sao để chế biến ăn thay cơm được, sau đó đề nghị trả lại thì được cấp đậu xanh thay gạo. Đói quá bộ đội phải vào nương tuốt lúa do dân để lại, rồi lấy mũ sắt làm cối, lấy cây rừng làm chày, lấy nắp nồi 20 làm mẹt để biến lúa thành gạo ăn. Ngoài lúa ra còn lấy thêm cả khoai nương nữa.

Còn về chuyện rét, bao năm sống ở Đông Nam Bộ không thấy rét, năm đi chiến dịch Bù Bông, đầu chiến dịch không thấy gì nhưng càng về sau càng thấy lạnh, lạnh đến nỗi nằm võng không ngủ được phải chui xuống hầm ngủ.

Tôi tham gia chiến dịch Bù Bông từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, nhiều gian nan và vất vả: vắt, muỗi, đói rét và bom pháo, song cũng nhiều lúc được “thịt ấm chân răng”. Đời người lính gian nan vất vả và thường trực nguy hiểm, hy sinh nhưng chẳng ai kêu ca mà luôn tràn đầy vui vẻ, lạc quan.

Đại tá Nguyễn Văn Cự - Nguyên CN Pháo binh Sư đoàn 302 QK7