Thanh kiểm tra việc chấp hành Luật KTTV: Những vấn đề còn “bỏ ngỏ” - Dữ liệu khí tượng thủy văn chính xác - mang an toàn đến những công trình
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:02, 22/12/2022
Nâng độ an toàn các công trình
Thực tế cho thấy, hiện không ít chủ đầu tư dự án xây dựng trong quá trình làm giấy phép xây dựng đã sử dụng dữ liệu KTTV không rõ nguồn gốc, do tổ chức không có thẩm quyền cung cấp, hoặc sử dụng chuỗi tài liệu không được cập nhật năm gần nhất theo quy định, gây mất an toàn công trình, lãng phí vốn và giảm hiệu quả đầu tư. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái xung quanh nội dung này.
PV: Thưa Tổng cục trưởng, năm 2022, Tổng cục KTTV đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật KTTV tại các địa phương, doanh nghiệp. Tại sao Tổng cục KTTV lại tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra này? Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật qua các cuộc thanh, kiểm tra Tổng cục đã thực hiện?
Ông Trần Hồng Thái:
Được sự phê duyệt của Bộ TN&MT, năm 2022, Tổng cục KTTV đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật KTTV. Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV gồm: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Vườn Quốc gia; Sân bay và Cáp treo… theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn. Các chủ chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan, đơn vị thẩm định, thẩm tra dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV.
Các cuộc thanh, kiểm tra được thực hiện theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Đây là hoạt động thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất theo chức năng nhiệm vụ của Bộ và giao cho Tổng cục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KTTV. Phát hiện kịp thời, ngăn ngừa các vi phạm trong hoạt động KTTV, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KTTV, đảm bảo tính tuân thủ trong thực thi pháp luật KTTV, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.
Qua kiểm tra cho thấy, các chủ công trình có trạm KTTV chuyên dùng đã thực hiện khá đầy đủ các quy định đối với công trình phải quan trắc KTTV. Tuy nhiên, phần lớn các chủ công trình chưa thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV cho hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia theo quy định. Một số chủ công trình chưa thực hiện việc thông báo thành lập, di chuyển, giải thể trạm KTTV chuyên dùng cho các cơ quan liên quan theo quy định; còn tồn tại các vấn đề liên quan tới việc chia sẻ số liệu quan trắc KTTV của sân bay, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, cáp treo đối với cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường tại địa phương theo quy định; việc kiểm định các phương tiện đo chưa đạt yêu cầu về định kỳ, còn thiếu chứng từ kiểm định. Đặc biệt, tại các Vườn quốc gia vẫn chưa thực hiện tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc đối với công trình phải quan trắc KTTV theo quy định.
Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng thông tin dữ liệu KTTV; thẩm định nguồn gốc tài liệu KTTV đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các chủ đầu tư dự án không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đơn vị tư vấn thiết kế về nguồn gốc và thẩm quyền cung cấp thông tin dữ liệu KTTV; các dự án sử dụng tài liệu không rõ nguồn gốc, một số dự án sử dụng tài liệu do tổ chức không có thẩm quyền cung cấp, một số dự án sử dụng chuỗi tài liệu không được cập nhật năm gần nhất theo quy định về khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu KTTV đã được quy định cụ thể tại Luật Khí tượng thủy văn.
PV: Tại sao thông tin dữ liệu KTTV lại trở thành một điều kiện bắt buộc trong quá trình lập dự án và thiết kế các công trình? Tầm quan trọng của các thông tin dữ liệu này là gì, thưa ông?
Ông Trần Hồng Thái:
Thông tin KTTV được xem như một trong các công cụ đặc biệt quan trọng làm đầu vào, hỗ trợ các chính sách quyết định phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia, các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 khẳng định công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong quá trình lập dự án và thiết kế các công trình, thông tin dữ liệu KTTV là số liệu đầu vào quan trọng quyết định giải pháp, quy mô, kết cấu công trình. Có thể thấy, thời gian qua, thông tin dữ liệu KTTV chưa được quản lý, khai thác hiệu quả, đặc biệt là các thông tin, dữ liệu KTTV được sử dụng trong các báo cáo đánh giá chiến lược, đánh giá tác động môi trường, các báo cáo dự án ngành trọng điểm chưa được kiểm chứng, thẩm tra nguồn gốc số liệu. Các thông tin, dữ liệu KTTV được sử dụng trong các báo cáo đánh giá chiến lược, đánh giá tác động môi trường, báo cáo dự án ngành đều được sử dụng theo hình thức kế thừa từ các tài liệu khác, dẫn đến khả năng mất an toàn đối với các công trình khi thiên tai xảy ra.
Hiện nay, việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV làm nguồn lực “đầu vào” phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các dự án phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng thông tin và dữ liệu KTTV theo đúng quy định của pháp luật, có kiểm tra, thẩm định nguồn gốc, tính phù hợp của các dữ liệu KTTV trong quá trình thiết kế, thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ đảm bảo an toàn cho công trình, không gây lãng phí vốn và hiệu quả đầu tư; đồng thời, tránh thất thoát nguồn thu phí trong khai thác, sử dụng tài liệu thông tin KTTV.
PV: Có thể thấy, việc không tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về sử dụng thông tin dữ liệu KTTV có thể để lại các hệ lụy rất lớn. Vậy cần những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật KTTV trong quá trình triển khai các công trình, dự án hiện nay, thưa ông?
Ông Trần Hồng Thái:
Để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật KTTV trong quá trình triển khai các công trình, dự án hiện nay, thông tin, dữ liệu KTTV sử dụng trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp và xác nhận hoặc được cung cấp từ cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định, thẩm tra, đánh giá đối với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra nguồn gốc thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định.
Tổng cục KTTV đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị thẩm định, thẩm tra và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định của Luật KTTV và hệ thống các văn bản dưới Luật trong việc khai thác sử dụng thông tin dữ liệu KTTV, nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn công trình khi đưa vào sử dụng, không gây lãng phí trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án và không gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước trong thu phí khai thác, sử dụng tài liệu thông tin KTTV. Đối với các công trình, dự án đã triển khai có sử dụng dữ liệu KTTV nhưng chưa rõ nguồn gốc, chưa đảm bảo quy định, đề nghị rà soát và có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!