Chi Lăng (Lạng Sơn): Chuyển biến tích cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 09:17, 22/12/2022
Những kết quả đáng ghi nhận
Triển khai Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm 2022, Chi Lăng đã ban hành trên 800 văn bản chỉ đạo điều hành về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đất đai đến người sử dụng đất bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền tại các buổi tiếp công dân, các cuộc họp giải phóng mặt bằng ở thôn, khu phố, thông qua hệ thống tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa – Thể thao, truyền thông huyện.
Huyện đã công bố công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Chi Lăng; thực hiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng hoàn thành hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu 2022; hoàn thành lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Kế hoạch sử dụng đất năm 2023.
Trong năm, đã cấp 266 GCNQSDĐ lần đầu cho người dân, hoàn thành trao GCNQSDĐ được cấp theo dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện chỉnh lý biến động đất đai trên 2.400 hồ sơ. Đấu giá thành công quyền sử dụng đất tại 24 thửa đất; phê duyệt 856 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hồi 465 thửa đất của 134 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn chấn chỉnh quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng lộ trình xử lý các vi phạm đã tồn tại từ các năm trước. Chấn chỉnh việc cho phép đổ đất lên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác với lý do cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất trồng cây hàng năm khác, xử nghiêm các vi phạm phát sinh mới. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính về đất đai với gần 50 trường hợp, tổng tiền phạt hơn 530 triệu đồng. Tiếp nhận, xử lý gần 140 đơn kiến nghị, phản ánh về đất đai…
Lĩnh vực khoáng sản, hiện huyện có 8 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, 2 giấy phép do Bộ TN&MT cấp. Để quản lý khoáng sản đạt hiệu quả, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản tại Mỏ đá Đồng Mỏ của Cty Cổ phần đá Đồng Mỏ và Mỏ đá Thượng Thành của Công ty TNHH đá Thượng Thành; kiểm tra việc thực hiện đóng cửa mỏ tại Mỏ quặng sắt Hà Nam, xã Lâm Sơn; kiểm tra thực địa, xác minh phản ánh của nhân dân về việc khai thác mỏ quặng Antimon Khòn Rẹ, xã Mai Sao gây ô nhiễm môi trường.
Hoàn thành quan trắc môi trường đột xuất tại 4 địa điểm có hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn với Công ty Cổ phần Xi Măng Đồng Bành và Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ do vi phạm trong quá trình quan trắc môi trường tại khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tuyên truyền các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; ban hành quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.
Đặc biệt, năm 2022 với điểm nhấn là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, huyện Chi Lăng đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp, lộ trình để đưa các quy định mới của pháp luật về môi trường đến với nhân dân. Duy trì phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Công bố tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường.
Triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Có thể nói, trong năm 2022, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản trên địa bàn huyện Chi Lăng đã được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở nỗ lực triển khai và đạt được một số kết quả rõ nét. Việc giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất bám sát kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản cơ bản tuân thủ các quy định pháp luật, đã quan tâm đầu tư, mở rộng quy mô, công suất, thiết bị, công nghệ khai thác có hiệu quả, hướng tới tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường được nâng lên. Công tác quản lý chất thải có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu giải quyết được những bức xúc về xử lý rác thải, đem lại cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, huyện Chi Lăng đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực trong năm 2023. Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật đất đai. Kiểm tra, rà soát, xử lý phù hợp các khu đất công để tạo nguồn lực phát triển KT-XH.
Song song đó, triển khai rà soát các thủ tục hành chính về cấp GCN, giảm thủ tục, giấy tờ không cần thiết theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Kiểm tra, rà soát GCNQSDĐ đã cấp không đúng quy định sau đo đạc bản đồ địa chính để thực hiện thu hồi, đo đạc, cấp lại GCN. Đẩy mạnh xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, thực hiện công tác đăng ký đất đai đối với các thửa đất đăng ký lần đầu do các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng, phấn đấu hết năm 2023 thực hiện đạt 50% trở lên…
Huyện cũng xác định tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, kế hoạch bảo vệ môi trường với các dự án, công trình thuộc thẩm quyền. Tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Theo dõi giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp thuê đất có hoạt động khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường.