Thừa Thiên - Huế sử dụng hợp lý khoáng sản để phát triển bền vững

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:12, 22/12/2022

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản góp phần triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững, qua đó giúp đời sống của người dân ngày một nâng lên. Để hiểu rõ hơn về nội dung này cũng như cách giảm nghèo bền vững từ việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

PV: Xin ông cho biết, việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương đang được thực hiện thế nào?

3-1-.jpg

Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Phan Quý Phương:

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển hoạt động khai thác, chế biến sâu nguồn tài nguyên khoáng sản có được trên địa bàn để phát huy giá trị tài nguyên, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân trên cơ sở nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo bền vững môi trường.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách về khuyến khích trong hoạt động khai thác đá cần tiến hành xay đá thành cát nhân tạo, góp phần bổ sung sự thiếu hụt nguồn cát tự nhiên (cát lòng sông) đang dần cạn kiệt; ban hành kế hoạch lộ trình giảm dần sản xuất gạch nung sang gạch không nung để giảm thiểu vấn đề gây ra ô nhiễm môi trường, phát thải nhà kính. Tỉnh cũng quan tâm xem xét các nhà đầu tư liên quan đến khai thác khoáng sản có công nghệ chế biến hiện đại chế tạo sản xuất ra nhiều sản phẩm công nghệ cao giảm thiểu ảnh hưởng môi trường trước khi chấp thuận đầu tư.

Hiện tại, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.000 người. Trong thời gian qua, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các tổ chức, cá nhân sử dụng bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được các ngành, các cấp quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Qua đó góp phần ổn định đời sống nhân dân, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp về khoáng sản đã hỗ trợ đá xây dựng, đất san lấp cho các địa phương nơi khai thác khoáng sản nhằm góp phần xây dựng, tu bổ công trình giao thông, công trình phúc lợi của địa phương; hỗ trợ tặng quà cho người nghèo, trẻ em vượt khó, nạn nhân chất độc màu da cam, người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ...

Thừa Thiên - Huế có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là đá vôi dùng sản xuất xi măng, sa khoáng titan, khoáng chất công nghiệp kaolin, cát thuỷ tinh, đá gabro làm ốp lát than bùn và vật liệu xây dựng... Theo Sở TN&MT, hiện trên địa bàn tỉnh có 65 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép

PV: Vậy các bất cập, tồn tại trong công tác quản lý về khoáng sản là gì và đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Phan Quý Phương:

Bất cập dễ nhìn thấy nhất chính là sự phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản của các sở, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chặt chẽ và chưa bám sát chức năng theo quy định pháp luật khoáng sản, điều đó đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Cùng với đó, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn phân bố rải rác, không tập trung, sự tuân thủ quy định pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa cao dẫn đến nhiều sai phạm về môi trường. Công nghệ, phương pháp và thiết bị khai thác các mỏ khoáng sản hiện nay còn đơn giản, chưa được đầu tư đồng bộ, đội ngũ lao động phần lớn làm việc theo thời vụ, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về khoáng sản, môi trường...

Ngoài ra, việc ban hành chính sách pháp luật của Nhà nước đối với việc quản lý các hoạt động về khoáng sản có khi chưa kịp thời để điều hành các vấn đề phát sinh trong quản lý khai thác khoáng sản.

PV: Xin ông cho biết, để công tác quản lý, sử dụng khoáng sản hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giảm nghèo bền vững thì địa phương sẽ có những giải pháp nào?

Ông Phan Quý Phương:

Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, việc sử dụng hợp lý khoáng sản góp phần rất quan trọng, nhất là về vấn đề thiếu việc làm, thiếu kế sinh nhai.

3-2-.jpg

Khai thác khoáng sản tại Thừa Thiên – Huế đã và đang góp phần trong công tác giảm nghèo

Thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát đối chiếu về tiềm năng, thế mạnh của khoáng sản, nhu cầu, công nghệ sản xuất để hoạch định, quy hoạch nơi khai thác, loại khoáng sản khai thác phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tiến bộ về khoa học công nghệ trong chế biến khoáng sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ các cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản đến lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước liên quan lĩnh vực khoáng sản để phát huy tối đa vai trò trách nhiệm của các thành phần liên quan. Tăng cường mật độ giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nhằm hướng dẫn các cá nhân, tổ chức liên quan nghiêm túc triển khai quy định pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Ngoài ra, chỉ xem xét chấp thuận đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản với những nhà đầu tư có công nghệ mới, ít ảnh hưởng môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Dinh (thực hiện)