Lịch sử cần được tô đậm
Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 20/12/2022
Liên tục trong 12 ngày đêm (từ 18/12 đến 29/12/1972), Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B-52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC-135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều mục tiêu trọng yếu của ta.
Nhưng, với tinh thần dũng cảm, kiên cường, ý chí quyết tâm chiến thắng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không chưa từng có trong lịch sử, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay B-52” chịu thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thất bại buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
50 năm qua đi, nhiều cuộc hội thảo cấp Nhà nước, nhiều tài liệu nghiên cứu của nước ngoài đều khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 giống như Stalingrad của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai; mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của trí tuệ, ý chí, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.
Có thể nói, trận quyết chiến lịch sử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn. Đó là chiến thắng của sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng trong thế trận Phòng không nhân dân, trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.
Hơn thế, “Điện Biên phủ trên không” còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân thế giới; là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc; đem lại lòng tin cho hàng trăm triệu người trên trái đất đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng ấy nhằm khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc, khẳng định sức mạnh của cuộc chiến tranh toàn dân toàn diện, sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong đó có lực lượng Phòng không - Không quân;
Những ngày này, không chỉ nhân dân Việt Nam mà nhiều cựu phi công Mỹ - những người từng một thời ở bên kia chiến tuyến, từng mang bom gieo rắc lên Hà Nội, từng thất bại trước tinh thần thép và trí tuệ thép của Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt để cùng ôn lại chuyện cũ, thay cho một sự sám hối những điều xưa cũ, với ước vọng cùng hướng đến những điều tốt đẹp cho một thế giới hòa bình, không bom đạn, chiến tranh.
Thế nhưng, cũng những ngày này, có một bộ phận người dân, nhất là lực lượng thanh niên, những người sinh ra sau chiến tranh, hưởng thụ nền hòa bình được đánh đổi bằng xương máu của cha ông lại dửng dưng với quá khứ. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn cho rằng, không nên đào xới lại lịch sử. Theo họ, cán cân ngoại giao thời đại mới cần nghiêng về những nước lớn. Họ - những người chưa nếm trải chiến tranh đang nuôi giấc mơ tư bản trong tương lai.
Lướt qua một số trang mạng xã hội những ngày qua, khá nhiều bạn trẻ, kể cả những người nổi tiếng với lượng fan theo dõi lên đến hàng triệu, nhưng tâm điểm bàn luận của họ, tàn canh bóng đá là đến Noel, tịnh không có một dòng về Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Một chiến thắng rung động nước Mỹ, vang dội 5 châu, chấn động thế giới; một dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc; một chiến thắng đổi bằng hy sinh, mất mát máu xương của cha ông… đang bị những trào lưu giải trí du nhập làm nhòa mờ.
Xin thưa. Chúng ta không đào bới quá khứ để kích động hận thù. Nhưng không ai được phép lãng quên lịch sử. Bài học đau đớn về những phát súng bắn vào quá khứ của một số quốc gia vẫn đang nóng hổi trên cuộc cờ thế giới hôm nay. Bức tranh ấy như một tuyên bố đanh thép, rằng, chỉ đất nước nào biết ngoái vọng lịch sử, trân trọng chủ quyền, tôn trọng tự do, biết đề cao lòng tự tôn dân tộc, biết dựa vào sức mình, tôn trọng lợi ích các bên và đề cao hòa bình, đất nước ấy mới vững vàng trên đôi chân của mình trong một trật tự thế giới mới đầy phức tạp.
Vậy nên, vui thôi đừng vui quá mà thành vô ơn. Cứ bóng đá, Noel, cứ cây thông và giáng sinh. Nhưng đừng quên, để có những ngày tự do thụ hưởng không khí ấy hôm nay, biết bao máu xương của cha ông đã đổ.