TP. Huế: Di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi khu vực Kinh thành
Tài nguyên - Ngày đăng : 13:54, 20/12/2022
Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, hiện nay đơn vị đã và đang thực hiện giai đoạn 2 (2022- 2025) của dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế”.
Theo đó, khoảng 1.710 hộ dân ở hộ thành hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời với tổng kinh phí 455 tỷ đồng. 210 hộ ở hồ Tịnh Tâm cũng di dời với tổng kinh phí dự kiến 80 tỷ đồng. Trấn Bình Đài có 165 hộ phải trả lại mặt bằng với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng. Khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với 198 hộ dân di dời, kinh phí 139 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 1.000 hộ dân sống ở khu vực đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP. Huế) cũng được kiểm kê để di dời và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng.
Đối với khu vực hồ Học Hải và di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cũng kiểm kê, kê khai nguồn đất sử dụng để lên kế hoạch di dời.
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho người dân tái định cư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tiếp nhận tại khu vực 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8 (chỉ còn 2 hộ) và khu quy hoạch Hương Sơ giai đoạn 4 với tổng quỹ đất 2.873 lô. Trong khi đó, khu vực 9 và 10 sẽ có tổng 1.040 lô, hiện chủ đầu tư đang thi công để bàn giao quỹ đất tái định cư.
Theo ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP. Huế, trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo tính dân chủ, công khai minh bạch, rõ ràng. Đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng người, đúng đối tượng, đúng theo khung chính sách đã được Chính phủ phê duyệt và theo các quy định, khung chính sách hiện hành, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người dân trong diện di dời, ổn định cuộc sống về lâu dài.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế xác định, đây là dự án đặc biệt quan trọng và là một “cuộc di dân lịch sử”, tác động đến nhiều đối tượng dân cư. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai tốt nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc. Vì vậy, UBND TP. Huế, các sở, ngành liên quan tập hợp tất cả các tình huống phát sinh và có sự thống nhất để đưa ra các giải pháp giải quyết rốt ráo, nhất là đối với những hộ phụ; giải quyết tốt công tác tái định cư; khẩn trương trả lại mặt bằng cho dự án. Đồng thời, UBND TP. Huế phải trưng tập cán bộ nội bộ; rà soát, đề xuất bổ sung thêm đội ngũ cán bộ sở, ngành cấp tỉnh, nhất là vấn đề đo đạc, thẩm định đền bù một cách chặt chẽ, đồng bộ, rút ngắn thời gian; huy động tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và vai trò của người đứng đầu.
“Đây là dự án quan trọng không chỉ của tỉnh mà của Trung ương nên hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Mục tiêu cao nhất là, đảm bảo tiến độ dự án, gắn với chăm lo đời sống, sinh kế của người dân”, ông Lưu nhấn mạnh.
Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Qua những biến thiên của thời gian, lịch sử, Thượng thành Huế dần trở nên hoang phế và trở thành nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình, vì nhiều lý do phải quần cư về đây.
Để trả lại hiện trạng, giá trị vốn có của di tích Kinh thành Huế, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế” chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2019-2021 di dời dân thuộc khu vực Thượng thành, các Eo bầu, hộ thành hào, tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022- 2025 sẽ di dời dân thuộc khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc... Cuộc di dân mang tính “lịch sử” này đã rất nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Nhà nước và các bộ ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ.