Thị trường bất động sản năm 2023: Chuyên gia dự báo về sự đảo chiều
Bất động sản - Ngày đăng : 16:32, 19/12/2022
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thực trạng khó khăn hiện nay của thị trường BĐS là các doanh nghiệp địa ốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn từ nguồn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp và áp lực nợ rất lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng, nguồn trái phiếu huy động được trong quý 3/2022 khoảng 10 nghìn tỷ đồng, còn quý 4 thì gần như không có, cộng thêm tình hình giao dịch BĐS giảm mạnh khiến nguồn vốn bế tắc.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang bị lạm phát, lãi suất tăng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sở hữu nhà. Người có nhu cầu ở thực thì gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đối với các sàn giao dịch, trước tình cảnh lượng giao dịch giảm mạnh trong quý 4/2022 khiến nhiều công ty buộc phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh như cắt giảm lương, sa thải nhân viên để tồn tại.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS suy giảm trong năm 2022. Trong đó, thị trường BĐS đang được điều chỉnh mạnh sau hơn 2 năm tăng nóng; đồng thời, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý, tài chính, đặc biệt là nguồn vốn của dự án.
Dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng phục hồi thị trường BĐS bắt đầu từ năm tới là có cơ sở. Các nước trên thế giới bắt đầu không tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và lãi suất cũng bớt đi; hay những vụ việc đang diễn ra đến thời điểm đó đã được xử lý xong. Đặc biệt là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp BĐS lúc đó sẽ rõ ràng hơn nhiều và sẽ lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư.
Nhận định về thị trường BĐS năm 2023, TS. Cấn Văn Lực cho hay, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2023. Kinh tế sẽ phục hồi nhanh, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi của du lịch nội địa, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tiên lượng và tầm kiểm soát.
"Đồng thời, đầu tư công, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ được đẩy mạnh, cộng với việc cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy. Ngoài ra, còn có những tín hiệu tích cực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn pháp lý. Hiện tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đang rà soát hàng nghìn dự án đang gặp khó khăn về pháp lý. Việc đáo hạn trái phiếu, Chính phủ cũng đang vào cuộc để tháo gỡ khó khăn" - TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, bức tranh với gam màu trầm chủ đạo xuất hiện khi thị trường BĐS bắt đầu suy giảm từ quý 2/2022. Trong đó, mức độ quan tâm và lượng giao dịch BĐS đều có xu hướng giảm do tác động của những thông tin không tích cực như chủ đầu tư lớn bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm; FED lần đầu tiên tăng lãi suất sau hơn 3 năm khiến nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động; các công ty BĐS cắt giảm lượng lớn nhân sự khi thị trường BĐS đi xuống...
Bên cạnh đó, thị trường BĐS phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong giai đoạn này như thách thức về nguồn vốn, giá bán BĐS tăng quá cao, sự biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó. Những thông tin, biến động đó đã ảnh hưởng lớn đến lượng quan tâm đến thị trường BĐS trong thời gian qua. Trong năm 2022, tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều gặp khó khăn.
Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Anh dự báo thị trường BĐS sẽ có sự đảo chiều trong năm 2023: “Ngay trong 2022, đã có thông tin tích cực hơn. Cụ thể, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2022 trong việc quy định chào bán trái phiếu. Một trợ lực khác là việc Chính phủ đã Quyết định thành lập tổ công tác gỡ khó cho thị trường BĐS; chưa kể room tín dụng vừa nới với biên độ 1,5% - 2%, dù không phải tất cả room tín dụng được nới đều đổ vào BĐS. Khi các chính sách hỗ trợ rõ nét hơn, thị trường ngay lập tức sẽ đảo chiều. Trong năm nay, chưa có một sự hỗ trợ cụ thể nào đối với lĩnh vực này. Song, kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023”.
Theo các chuyên gia, để thích ứng với thực tế thị trường hiện nay, các doanh nghiệp BĐS cần phải có những điều chỉnh phù hợp, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và bình tĩnh chờ tín hiệu điều chỉnh từ lãi suất, tăng trưởng tín dụng và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn pháp lý mà Chính phủ đang thực hiện.