Sơn La phát triển các mô hình canh tác thông minh thích ứng BĐKH
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:31, 19/12/2022
Dự án được tiếp nhận và triển khai tại 4 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu và Chiềng Pha, huyện Thuận Châu trong giai đoạn 2021-2023, do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BftW - Tổ chức phi Chính phủ Đức) tài trợ, Trung tâm SRD là đơn vị thực hiện.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La, qua triển khai dự án giai đoạn I (2018 – 2020), nhân dân áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật đã được tiếp cận, duy trì và phát huy kiến thức trong thí điểm các mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) để tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận thị trường, tăng thu nhập cho các nhóm yếu thế và giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Từ đó, lan tỏa các kết quả thành công của dự án đến với người dân các vùng lân cận.
Năm 2022, Chi cục tiếp tục kết hợp với Trung tâm SRD và UBND huyện Thuận Châu triển khai 17 lớp tập huấn cho nông dân 4 xã vùng dự án kết hợp với mô hình trình diễn về canh tác thích ứng biến đổi khí hậu trên cây lúa, khoai sọ và cà phê cho 510 lượt người tham gia. Tổ chức 4 chuyến thăm quan chéo giữa 4 xã dự án với 138 lượt người tham gia; 4 cuộc hội thảo để người dân và các học viên trao đổi thảo luận, đánh giá mô hình.
Qua quá trình triển khai, người dân nhận thấy, việc áp dụng các phương thức canh tác lúa, cà phê, khoai sọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, giảm được chi phí đầu vào khoảng 60-80% lượng giống, giảm 10-20% phân bón, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng nguồn rơm rạ vào trong sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người…
Đơn cử, việc cấy lúa theo phương pháp CAR chỉ dùng phân hữu cơ bón cho lúa qua các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường, tập trung vào biện pháp canh tác, điều tiết nước hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển giúp cây lúa khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại, với điều kiện thời tiết bất thuận, giảm thiểu chi phí đầu tư vật tư nông nghiệp cho bà con, gia tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng lâu dài.
Ngoài ra, trong năm 2022, người dân vùng dự án đã được tổ chức đánh giá cung cầu nước tại 16 bản thuộc 4 xã. Tập huấn về quản lý, điều tiết, duy tu bảo trì các công trình, hệ thống mó nước và tập huấn về phục hồi rừng đầu nguồn giúp bảo vệ nguồn nước với sự tham gia của 523 người. Tổ chức 8 diễn đàn về vai trò của rừng cho 395 người, 8 diễn đàn về quản lý rừng cộng đồng, PCCCR cho 379 người.
Tổ chức thi vẽ tranh bảo vệ nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại 4 trường THCS trên địa bàn 4 xã dự án, với sự tham gia trực tiếp của trên 400 học sinh. Nội dung các bức tranh đã thể hiện công tác trồng cây phục hồi rừng đầu nguồn, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, vệ sinh môi trường khu vực đầu nguồn nước, bản làng đoàn kết sử dụng nguồn nước chung…
Theo đánh giá của Trung tâm SRD, người dân rất vui vẻ, hào hứng tham gia Dự án bởi các hoạt động đều gắn liền với trồng trọt, chăn nuôi thường ngày. So với các mô hình khác, kỹ thuật canh tác thích ứng BĐKH được áp dụng ngay sau mỗi khóa tập huấn. Người dân đã có sự thay đổi bước đầu về kiến thức, nhận thức trong việc sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV. Hiện nay, UBND huyện Thuận Châu đã kết hợp với Chương trình của huyện để nhân rộng mô hình cấy lúa thích ứng BĐKH ra 7 xã chưa thực hiện Dự án.
Năm 2023, dự kiến, Dự án sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình canh tác nông lâm nghiệp thích ứng BĐKH. Tổ chức hội nghị kết nối thị trường giữa đại diện các nhóm nông dân với các công ty, doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn về vai trò rừng, quản lý rừng cộng đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; các hoạt động trồng rừng bổ sung, quản lý, điều tiết nước...