Hội nghị Văn hóa 2022: Nhiều vấn đề cốt lõi cần lộ trình hoàn thiện về mặt luật pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 19:47, 17/12/2022
Chỉ ra “điểm nghẽn” và giải pháp
Tại phiên thảo luận, xoay quanh một số nội dung liên quan đến ngành văn hoá, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan chỉ rõ những hạn chế trong cơ chế quản lý cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhấn mạnh những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm để từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, đa dạng văn hóa. Cùng với đó là vướng mắc về các nguồn lực, nhân lực, nguồn lực tài chính cần cơ chế huy động doanh nghiệp, hợp tác công tư. Theo bà Từ Thị Loan, vấn đề vi phạm bản quyền cũng là điểm nghẽn khiến thị trường văn hóa không thể phát triển lành mạnh. Đây là những điểm nghẽn cần có giải pháp.
Từ đó, bà Từ Thị Loan đề xuất cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp căn cơ. Đầu tiên là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; đồng thời cho biết hiện việc thể chế hóa đường lối chủ trương phát triển hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế, dẫn chứng trong nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm chưa có luật quy định, mới chỉ ở điều chỉnh ở tầm nghị định. Hành lang pháp lý chưa thuận lợi. Hay như về du lịch văn hóa dựa trên tài nguyên di sản văn hóa nhưng Luật Di sản cần sửa đổi để phù hợp với công ước UNESCO, hay lĩnh vực thủ công mỹ nghệ chưa có luật về làng nghề.
Trong phần thảo luận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh vừa được thông qua là một trong những luật điện ảnh tiến bộ nhất trong nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới, với nhiều quy định mới về lưu trữ số, việc tổ chức liên hoan phim, tuần phim… và nhiều vấn đề khác để huy động nguồn lực phát triển điện ảnh. Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm là tiền kiểm – hậu kiểm. Tại luật này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới giảm bớt tiền kiểm, gia tăng hậu kiểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý và phát triển ngành điện ảnh.
Chia sẻ quan điểm của mình tại hội thảo, Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ không bị giới hạn bởi những quy định pháp luật. Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể, khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy, sẽ gây khó khăn lớn cho người làm sáng tạo. Theo Nhạc sĩ Quốc Trung, trong xây dựng chiến lược văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng. Người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ là giải quyết các vấn đề cũ. Vì vậy, cần tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa để định hướng cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy nguồn năng lực sáng tạo của nghệ sĩ...
Đưa ra ý kiến trao đổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó hậu kiểm thông qua các quy định để nghệ sỹ biết được làm gì và không làm gì, giúp tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm của mình và giúp sản phẩm hàng hóa nhanh đến với thị trường hơn. Ông Hoài Sơn nhấn mạnh, văn hóa là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chính vì thế, việc can thiệp vào văn hóa phải tính toán kỹ lưỡng bại. Xu thế chung trên thế giới hiện nay đang chuyển sang từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
“Đời sống kinh tế -xã hội đặc biệt là văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, sức sáng tạo về văn hóa vô cùng lớn. Chính vì thế chúng ta cần phải có cơ chế nào đó để thúc đẩy sự phát triển văn hóa và cơ chế hậu kiểm giúp cho chúng ta làm được điều này”, ông Bùi Hoài Sơn nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta tiến hành hậu kiểm, nhưng không có nghĩa là không tiền kiểm, tiền kiểm bằng các quy định có từ trước để người nghệ sĩ, những người sáng tạo biết được mình có thể làm gì và không nên làm gì từ đó thì có thể có được những sản phẩm nó phù hợp với xã hội.
Chuẩn hóa hơn về tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Nói về tiêu chí "cứng hóa" trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề mà Viện thực hiện một đề tài với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Về vấn đề này, qua thực tế nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Phương Châm nhận thấy rõ những cái hạn chế trong việc áp dụng một Bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho tất cả các cộng đồng, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời nêu dẫn chứng, khi áp dụng một tiêu chí như tiêu chí nhà ở ba cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) mà Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra như vậy thì các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người sẽ có nguy cơ biến mất dần.
Nêu ví dụ như ngôi nhà trình tường ở vùng cao phía Bắc ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và gắn kết những giá trị văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào nhưng dần sẽ có nguy cơ bị phá bỏ khi áp với các tiêu chí "ba cứng" cho tất cả các vùng, miền.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm cũng nêu dẫn chứng tiêu chí "sáng, xanh, sạch, đẹp" trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát nhiều địa phương, Phó Giáo sư nhận thấy rằng, những bức tường đá rất đẹp thì bị phá hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp; cho rằng, việc chúng ta áp dụng một mô hình, một Bộ tiêu chí cho tất cả thì sẽ có nguy cơ là các hệ thống tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, bản sắc của đồng bào thiểu số... có nguy cơ bị mất đi trong quá trình thực hiện các tiêu chí đó. Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ cùng với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan quy định rõ hơn, chuẩn hóa rõ hơn về tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong tham luận trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ, trong tiếng Anh, nông nghiệp là “agriculture”, trong đó “culture” ngoài nghĩa “gieo trồng, canh tác”, còn có nghĩa là “văn hoá”. Trăn trở về văn hoá, Bộ trưởng chia sẻ góc nhìn thực tiễn, giữa “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “văn hoá - xã hội”. Có những vấn đề tiếp cận bằng thể chế, chính sách và nguồn lực, nhưng cũng có thể có cách tiếp cận bằng nguồn lực xã hội, “xác định người dân là trung tâm”, trước khi bắt tay thực hiện bất cứ việc gì, hãy chiêm nghiệm về giá trị chiều sâu của việc ấy.