Tìm động lực bứt phá cho bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái

Bất động sản - Ngày đăng : 16:04, 17/12/2022

(TN&MT) - Ngày 17/12, tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), Báo Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo: Phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch Yên Bái - Cơ hội và bứt phá. Tại Hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế uy tín đã cùng hiến kế nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, chỉ ra động lực bứt phá cho bất động sản, hạ tầng du lịch tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

Tiềm năng lớn

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, một trong những yếu tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh Yên Bái quan tâm và tập trung chỉ đạo là “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Yên Bái trở thành một thành phố đáng sống theo quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh. Thị xã Nghĩa Lộ là đô thị xã văn hóa và động lực phát triển kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh.

tuan.jpg
Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội thảo

Về phát triển du lịch, Yên Bái là tỉnh miền núi, với phong cảnh thiên nhiên đa dạng và nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò, di tích cách mạng chiến khu Vần, Căng Đồn, Nghĩa Lộ… Với trên 30 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc, văn hoá riêng là thế mạnh của tỉnh trong việc thu hút khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt như: du lịch nghỉ dưỡng cấp cao, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Những lợi thế này đang được tỉnh Yên Bái cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà... và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, thị trường bất động sản tỉnh Yên Bái đã hình thành và đang đà phát triển; hạ tầng du lịch là nhu cầu quan trọng và đi trước một bước trong phát triển du lịch đã được rất nhiều các Nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, tỉnh Yên Bái đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch làm cơ sở để phát triển thị trường bất động sản, xem đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phát triển quan trọng hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

o-chuong-2.png
Ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái cho biết, trong năm 2021, 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kinh tế tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 đạt 8,62%, nằm trong những tỉnh tăng trưởng cao, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng và thứ 33 cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 20,85%; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đầu tư. Hiện các dự án bất động sản đóng góp khoảng 20- 25% thu ngân sách của tỉnh Yên Bái (nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án khu đô thị, nhà ở, đất nền...).

Trong thu hút đầu tư, theo ông Trần Thanh Chương, đến nay, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 599 dự án với tổng số vốn đăng ký 91.282 tỷ đồng và 382 triệu USD. Một số nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn APEC, Tập đoàn BB Group, Tập đoàn TH, Euro Window, Hoa Sen, Bảo Lai... đã và đang nghiên cứu cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái. Về đầu tư bất động sản và hạ tầng du lịch, hiện tỉnh Yên Bái đã phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án bất động sản, tổng vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng…Tỉnh Yên Bái cũng đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 13.200 tỷ đồng.

Cho rằng Yên Bái là địa phương giàu tiềm năng lợi thế trong phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, Yên Bái cũng là địa phương hiện đang chứng kiến những tín hiệu kinh tế lạc quan với nhiều cú hích về hạ tầng giao thông và thương hiệu điểm đến du lịch hấp dẫn. Đáng kể nhất là thống kê số liệu dòng vốn đầu tư ước tính lên đến hơn 4 tỷ USD cùng sự xuất hiện của các doanh nghiệp giàu tiềm lực đang mở ra một tương lai đáng chờ đợi. Đặc biệt, con số về tăng trưởng lượng khách du lịch năm 2022 của tỉnh ấn tượng đạt gần 1,6 triệu khách, gấp 2 lần so với năm 2021.

“Với việc chú trọng đến đầu tư hạ tầng giao thông, cao tốc, hạ tầng du lịch, nhà ở, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp đều được quan tâm. Điều này góp phần làm diện mạo địa phương ngày một thay đổi, nhiều khu đô thị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo nên nét văn hoá mới về văn hoá sống, chất lượng sống, không gian sống cho người dân”, ông Hoàng Hải nhấn mạnh.

2.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tạo đột phá trong hạ tầng du lịch

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế như trên nhưng theo các chuyên gia kinh tế, so với các địa phương khác cùng vành đai quanh Hà Nội, nguồn cung bất động sản và cơ sở hạ tầng du lịch Yên Bái còn hạn chế. Yên Bái vẫn thiếu nhiều cở sở hạ tầng du lịch và các khu đô thị, các dự án bất động sản xứng tầm; chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có nguồn lực mạnh và kinh nghiệm; các nhà đầu tư kinh doanh hoạt động chuyên biệt về phân khúc ngách và kinh doanh dịch vụ đặc biệt chất lượng cao, thương hiệu mạnh, tôn vinh giá trị độc bản...

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho rằng, để thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, phát triển bất động sản và hạ tầng du lịch có bước đột phá, Yên Bái cần làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân...

hai.jpg
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin nhiễu loạn. Đồng thời, kiểm soát tốt tình hình thị trường bất động sản để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Không vì sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư, mà thực hiện thu hút đầu tư bằng mọi giá. Chú ý sự phát triển phải đi liền với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn vùng sinh quyển đã được quy hoạch và ổn định an sinh xã hội. Sàng lọc năng lực chủ đầu tư, kiên quyết loại bỏ các dự án xử lý môi trường kém, có nguy cơ gây tụt hậu ảnh hưởng đển môi trường đầu tư của tỉnh.

Để thu hút đầu tư, phát triển bất động sản, hạ tầng du lịch tỉnh Yên Bái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái Trần Thanh Chương cho rằng, thời gian tới cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về đầu tư, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản…; Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành, làm cơ sở định hướng cho việc thu hút đầu tư hiệu quả và bền vững.... Đồng thời, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục về doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng…

Ở khía cạnh khác, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho rằng, để giải quyết bài toán đối với doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản trong năm 2023 cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan. Trước mắt, Bộ Xây dựng đề xuất cần nghiên cứu ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022- 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc trậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản.

Thanh Tùng