Giải pháp hỗ trợ Việt Nam tham gia đàm pháp thỏa thuận toàn cầu về nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 16:17, 16/12/2022

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên Việt Nam WWF vừa tổ chức Họp kỹ thuật “Tăng cường chia sẻ thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế về rác thải nhựa đại dương, hỗ trợ Việt Nam tham gia đàm phán Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm trong môi trường biển”.
rac-nhua-2-09594670.jpeg
Xử lý rác thải nhựa sẽ gây ảnh hưởng tới BĐKH (ảnh minh họa)

Cuộc họp nhằm chia sẻ thông tin về kết quả cuộc họp đầu tiên Ủy ban đàm phán liên Chính phủ (INC-1) để xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm trong môi trường biển (sau đây gọi tắt là Thỏa thuận toàn cầu) vừa mới diễn ra tại thành phố Punta del Este, Uruguay đồng thời tìm kiếm giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tham gia đàm phán.

Cần giải quyết cả vòng đời của nhựa

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết, cuộc họp lần đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-1) được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Punta del Este, Uruguay, từ ngày 28 tháng 11 - ngày 2 tháng 12 năm 2022 với sự tham gia của hơn 2.300 đại biểu từ 160 quốc gia và các nhóm liên quan.

Sau những tuyên bố chung về thỏa thuận trong tương lai, các đại biểu tham gia Thỏa thuận toàn cầu đã thảo luận về : Phạm vi, mục tiêu và cấu trúc của văn kiện; các yếu tố tiềm năng của Thỏa thuận; điều khoản tiêu chuẩn về điều khoản cuối cùng; trình tự và khuyến nghị thực hiện các công việc tiếp theo

Về phạm vi, hầu hết các phái đoàn bày tỏ mong muốn có một cách tiếp cận toàn diện giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa.

Về mục tiêu, các phái đoàn ủng hộ rằng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế (ILBI) “bảo vệ môi trường và sức khỏe con người khỏi ô nhiễm nhựa, và cuối cùng là chấm dứt ô nhiễm nhựa.”

Về cấu trúc, các quan điểm khác nhau giữa những quan điểm ủng hộ một Thỏa thuận toàn cầu (TTTC) ràng buộc pháp lý cụ thể, bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi và các biện pháp kiểm soát, và những quan điểm ủng hộ một công ước khung, được thúc đẩy bởi các kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG).

Mặc dù hầu hết các phái đoàn nhất trí về những tác động tiêu cực xung quanh ô nhiễm nhựa, nhưng vẫn chưa tìm được điểm chung về các chi tiết và nội dung của các chủ đề quan trọng chính sẽ xác định phạm vi và hướng dẫn việc thực hiện TTTC. Mặc dù đã có sự hiểu biết về sự cần thiết của TTTC bao gồm toàn bộ vòng đời của nhựa, nhưng định nghĩa về “vòng đời” vẫn chưa được thống nhất. Các quan điểm khác nhau vẫn tồn tại khi vòng đời này bắt đầu và kết thúc, trong đó một số xem xét nhu cầu giải quyết các giai đoạn đầu của quá trình sản xuất nhựa và những quan điểm khác chỉ ưu tiên bắt đầu từ giai đoạn thiết kế sản phẩm.

Các cuộc thảo luận về các biện pháp kiểm soát hạ nguồn cũng đưa ra các ý kiến khác nhau. Vấn đề tái chế nhựa trở thành tâm điểm chú ý, với một số nhà khoa học chia sẻ rằng vẫn chưa có cách nào an toàn để tái chế nhựa do hầu hết các sản phẩm nhựa đều chứa nhiều chất phụ gia độc hại. Nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa “gắn vào” mô hình giảm thiểu-tái sử dụng-tái chế, được cho là sẽ góp phần khép lại vòng lặp ô nhiễm nhựa. Trong khi nhiều người vẫn nuôi hy vọng rằng thế giới có thể chuyển đổi sang nền kinh tế nhựa tuần hoàn và không độc hại, thì cũng có nhiều lời kêu gọi khẩn cấp hơn về việc giảm mạnh sản xuất nhựa.

Tìm giải pháp hỗ trợ năng lực đàm phán cho Việt Nam

0406-racthai-nhua.jpg
ảnh minh họa

Theo bà Phạm Thu Hằng Phó Tổng cục Trưởng Phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, về phía Việt Nam, để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia Thỏa thuận toàn cầu; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án) giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, triển khai thực hiện.

Với cuộc Họp kỹ thuật này, chúng tôi mong muốn cập nhật, thảo luận với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan cùng với các chuyên gia, nhà khoa học về những kết quả đàm phán đầu tiên hướng tới Thỏa thuận toàn cầu đồng thời tiếp tục tăng cường tổng hợp thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ về phương pháp thu thập, phân tích và chia sẻ các dữ liệu về rác thải nhựa đại dương, phục vụ cho tiến trình đàm phán của Việt Nam tại Ủy ban đàm phán Liên chính phủ trên cơ sở thực hiện Quyết định 1407/QĐ-TTg.

Đóng góp ý kiến về việc tiếp tục thảo luận về những vấn đề cốt lõi, ông Hồ Hữu Huy cho biết nếu chúng ta tiếp cận một thỏa thuận pháp lý mang tính chất toàn cầu từ BĐKH có thể thấy cách quốc gia tự cam kết, thế giới sẽ giảm 1,5 độ C và nếu chúng tôi làm được thì sẽ phải gắn với những điều kiện gì? Trong mô hình ấy, đưa ra luật định chung, kế hoạch hành động của các quốc gia, như vậy sẽ hài hòa với năng lực và luật pháp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên đối với rác thải nhựa, lấy ví dụ từ việt Nam, chúng ta có đường bờ biển rất dài, như vậy rác thải nhựa không chỉ của Việt Nam mà còn có sự trôi dạt từ nơi khác. Nếu áp dụng mô hình quốc gia tự cam kết, chúng ta không có cơ sở để đề nghị sự hỗ trợ từ các quốc gia khác để giải quyết vấn đề nhựa. Nếu không có luật định chung, có tính chất toàn cầu thì chúng ta khó có sự cam kết hỗ trợ của các quốc gia khác. Vì vậy WWF đề xuất đàm phán song song giữa việc tự cam kết và những quyền lợi được hỗ trợ khi thực hiện cam kết đó.

Đại diện Viện Nghiên cứu Biển Đông cho biết, còn quá nhiều vấn đề đặt ra khi tiến hành thỏa thuận một công ước mang tính cách toàn cầu, vậy nên chúng ta nên bắt đầu từ một nhóm nhỏ, sau đó lan toa ra thì sẽ mang lại kết quả khả quan hơn. Bởi lẽ hợp tác đa phương thời gian qua hầu như không đạt được bước tiến gì quan trọng, bởi ngay cả hiệp ước về BĐKH đã đạt được chút thảo thuận nhưng vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về hợp tác đa phương. Vì vậy nên cần kiểm soát kỳ vọng của nội bộ để từng bước thực hiện và hy vọng sự tham gia của các ngành, chuyên gia…

Minh Thư