50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Có một mặt trận mang tên báo chí

Xã hội - Ngày đăng : 08:16, 16/12/2022

Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề Báo chí xung trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là lời tri ân sâu sắc của Bảo tàng Báo chí Việt Nam tới thế hệ cha anh, là sự tôn vinh đội ngũ những người làm báo trong sự kiện 12 ngày đêm tháng 12/1972 - Đó là chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Nhà báo Trần Thị Kim Hoa.
z3962563671658_9f90448364c1209eccd860bcec46ced3.jpg
Quang cảnh buổi Toạ đàm

50 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 vẫn luôn vang vọng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Góp phần phản ánh, lưu giữ và lan tỏa những ngày tháng rực lửa ấy vào lịch sử là những bài báo, thước phim, bức ảnh… Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thêm một dịp khẳng định vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam và đóng góp của đội ngũ nhà báo - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, diễn ra từ sáng ngày 15/12/2022 tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo các cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, các nhà báo lão thành, các nhân chứng, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, các Chi hội, liên chi hội nhà báo trên toàn quốc, đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… cùng lực lượng phóng viên các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, các nghệ sĩ nhiếp ảnh; đặc biệt là sự góp mặt của rất đông các học viên Lớp Đại học báo chí quân sự Lào K1 (Khoa Văn thư, Lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học VHNT Quân đội)…

Sự kiện vinh dự được đón bà Ekaterina Bakeeva - Phó Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam; Tùy viên báo chí sứ quán Nga Pavel Kuzmin; Nhà văn, nhà báo Mỹ Lady Borton - những người luôn đồng hành và lan toả giá trị chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của quân và dân Việt Nam, đề cao giá trị của chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

z3962563733402_3745d5340657c42b9e21c90d649cd6ff.jpg
Sự kiện nhận được sự quan tâm sâu sắc của những người Bạn quốc tế...
z3962665067871_b731d81dcb3252d9230308f3334f53f7.jpg
...và đông đảo học viên Lớp Đại học báo chí quân sự Lào - những người con của đất nước anh em luôn sát cánh cùng dân tộc Việt Nam

Trình bày dẫn luận tại Toạ đàm, Bảo tàng Báo chí Việt Nam khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay bê gì đi chăng nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Kỳ tích này đã chứng minh sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đường lối quân sự độc đáo bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng. Chiến thắng khẳng định sự lớn mạnh của các Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, của các lực lượng phòng không, không quân… Đóng góp vào thành công chung đó, có lực lượng báo chí, những chiến sĩ trên mặt trận, tư tưởng văn hóa. Các nhà báo đã xông vào tuyến lửa, thông tin chính xác, kịp thời tình hình chiến sự, góp phần to lớn cổ vũ toàn quân, toàn dân ta chiến đấu. Ở mặt trận thông tin đối ngoại, báo chí tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao…

Đó cũng chính là những lý do, là nguồn cảm hứng để Bảo tàng Báo chí Việt Nam xây dựng ý tưởng và lập kế hoạch tổ chức Tọa đàm và Trưng bày.

ng-nguyen-duc-loi-pho-chu-tich-thuong-truc-hoi-nha-bao-viet-nam-phat-bieu-tai-toa-dam.png
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu

Hiện thực đã chứng minh báo chí Việt Nam luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong trận đối đầu lịch sử trên bầu trời Hà Nội, chiều 19/12/1972 (1 ngày sau khi không quân Mỹ bắt đầu tập kích), tại Câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong (nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế), Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đã có cuộc họp báo tố cáo Mỹ dùng B-52 đánh vào Thủ đô Hà Nội với sự trình diện của nhiều phi công Mỹ vừa bị ta bắt làm tù binh đêm 18/12. Những hình ảnh từ cuộc họp báo được phát đi đã gây chấn động toàn thế giới.

Và giữa lúc tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, từng bước đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, thì những “mũi tiến công” của báo chí cũng góp phần giáng đòn vào đầu thù. Tờ báo Nhân dân vẫn hàng ngày ra đời từ trong căn hầm tránh bom; lực lượng báo chí Quân đội nhân dân, Phòng không - Không quân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng.

mot-so-bai-xa-luan-binh-luan-ve-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-tren-bao-nhan-dan-duoc-gioi-thieu-tai-trung-bay..jpg
Những bài báo ra đời trong khói lửa

Thông qua phát biểu, chia sẻ của các nhân chứng: Các cựu phi công, cán bộ, chiến sĩ phòng không bắn rơi máy bay, các nhà báo trực tiếp tác nghiệp tại sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972… Toạ đàm đã tái hiện sống động không khí sục sôi của 50 năm trước, nêu bật chiến thắng vẻ vang, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời tập trung làm rõ, tôn vinh những đóng góp quả cảm của các nhà báo trong 12 ngày đêm khói lửa.

Đó là câu chuyện của Thượng tá Vũ Đình Rạng - phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận được với B-52, bắn thẳng vào “pháo đài bay bất khả xâm phạm” của Mỹ khiến giới quân sự Mỹ rúng động buộc dừng bay toàn bộ B-52 để chấn chỉnh lại; Là câu chuyện của anh hùng LLVTND, Đại tá Đinh Thế Văn - nguyên Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 nghiên cứu ra cách đánh độc đáo, bắn hạ B-52, bảo vệ bầu trời Hà Nội.

z3962665083045_c01eaee92628812cdc130d4cec446cd8.jpg
Các nhân chứng lịch sử "truyền lửa" cho những nhà báo tham dự sự kiện

Phải quay bằng được những cảnh chốt làm nền cho phim là quyết tâm mà đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng chia sẻ khi thực hiện bộ phim tài liệu “Hà Nội - Điện Biên Phủ”. Cảnh chốt trong bộ phim chính là hình ảnh pháo đài bay B52 tan xác trên bầu trời Hà Nội mà ông quay được trong những ngày tháng 12/1972 vô cùng dữ dội ấy.

Đó còn là câu chuyện về NSNA Minh Lộc - phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam nổi tiếng từ những năm kháng chiến chống Mỹ. NSNA Minh Lộc tham gia tác nghiệp trong cao điểm 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ống kính của ông đã ghi lại những làn mưa bom hủy diệt của đế quốc Mỹ. Trong đó, những hình ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi được ông ghi lại rất rõ nét, nhất bức ảnh chụp máy bay B-52 bị bắn rơi tại làng hoa Ngọc Hà.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam Chu Chí Thành từng có mặt ở nhiều vùng bị địch bắn phá ác liệt... Trong cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 năm 1972 của không lực Hoa Kỳ vào Hà Nội, suốt 12 ngày đêm, ông luôn có mặt từng góc phố, con đường để ghi lại cảnh đổ nát, đau thương mà người Hà Nội phải gánh chịu và hình ảnh chiến đấu chiến thắng oai hùng của quân, dân ta trước không quân Mỹ.

Là Người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, chia sẻ về vai trò của báo chí trước, trong và sau sự kiện chiến thắng, nhà báo Hà Đăng - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương khẳng định: Báo chí đã góp phần to lớn trong công tác thông tin đối ngoại, tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức được gợi lại vẫn nóng hổi hơi thở hiện thực. Độ lùi của thời gian càng cho chúng ta cơ hội tiếp cận sâu hơn, góc nhìn rộng hơn về đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo và những đóng góp của các nhà báo, cơ quan báo chí. Với vũ khí thông tin sắc bén trong tay, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng đã góp những nốt nhạc hoà chung vào khúc tráng ca trên bầu trời Hà Nội, để những giá trị Việt Nam mãi âm vang trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Phần Trưng bày gồm 18 vách, với các chủ đề: Bác Hồ với Lực lượng Phòng không - Không quân; Quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy B-52 của Mỹ.... Các tác phẩm được trưng bày đã thể hiện sự xung trận xông xáo, quả cảm của các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử .

Một số hình ảnh được phóng lên vách: Trận địa phòng không; Các nhà báo, văn nghệ sĩ tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai sau trận ném bom của Mỹ; Những số báo trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không; Thắng lợi của Hiệp định Paris 1973…; Sự kiện có phần chiếu phim tư liệu về chiến thắng B-52, trong đó có cảnh nhà báo Phạm Việt Tùng quay máy bay B-52 bốc cháy và rơi trên bầu trời Hà Nội…

Tủ trưng bày gồm 50 tài liệu, hiện vật về sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; các số báo tiêu biểu của Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thống Nhất, Hà nội mới, Giải phóng, Sud Vietnam En lute, South Vietnam in Struggle, Tổ quốc… và một số hình ảnh tiêu biểu, một số kỷ vật được làm từ xác máy bay, vỏ đạn đại bác như lọ hoa, hộp đựng... Trưng bày diễn ra từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 1/2023.

Việt Hải