TP.HCM: Mặt bằng cho thuê ế ẩm dịp cuối năm

Bất động sản - Ngày đăng : 18:24, 15/12/2022

(TN&MT) - Khác với sự nhộn nhịp thường thấy vào thời điểm cuối năm, năm nay không khí những ngày giáp Tết có vẻ lặng lẽ hơn. Cùng với đó, loại hình nhà phố nội thành TP.HCM cho thuê cũng ế ẩm, kể cả những mặt bằng “vàng” ở các quận trung tâm.
20221208_171225.jpg
Tại đường Lý Tự Trọng (quận 1) nhiều mặt bằng cho thuê đang “cửa đóng then cài”

Những ngày cuối năm, tại các tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 (TP.HCM) như đường Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur…, nhiều mặt bằng cho thuê vẫn khóa chặt cửa. Các bảng cho thuê dán chi chít trước mặt tiền trong thời gian dài.  Nhiều nơi mặt bằng bị vẽ bậy, xuống cấp, do thời gian dài không có người sử dụng.

Được mệnh danh là “con đường thời trang” của TP.HCM, đường Nguyễn Trãi (quận 1) vốn rất “hot”, nay đi một đoạn lại thấy nhiều nhà treo biển cho thuê. Khảo sát tại tuyến đường này cho thấy, giá thuê cho mỗi mặt bằng có mặt tiền cơ bản 4-5m vào khoảng trên dưới 5.000 USD/tháng (tương đương 120 triệu/tháng); mặt bằng to, đẹp có thể lên tới vài chục ngàn USD (vài trăm triệu đồng).

Anh Cao Khánh, người đang chào cho thuê một mặt bằng 6x18m trên tuyến đường này với giá 100 triệu đồng/tháng nhưng vẫn ít người hỏi thuê cho hay: “Giá mặt bằng giờ tôi đã giảm cho khách dễ tiếp cận hơn. Trước đây, giá này chỉ thuê được một mặt tiền rộng 4m, nhưng giờ với giá đó thuê được mặt tiền rộng gấp rưỡi. Quá rẻ rồi còn gì”.

Cũng như anh Khánh, chị Lê Hạnh (ngụ quận 3) cho biết, thời điểm dịch chị giảm giá thuê khoảng 40%, với mặt bằng hơn 60m2 của gia đình trên đường Cách mạng Tháng Tám, giờ chị quyết định tăng trở lại mức giá cũ. Theo chị Hạnh, ngôi nhà mặt tiền của gia đình chị trước đây cho một cơ sở thẩm mỹ thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Đợt dịch khách trả mặt bằng, chị giảm giá thuê xuống còn 30 triệu đồng/tháng nhưng không có khách.

Hiện tại, mặt bằng này được cải tạo và giá thuê trở về như lúc trước dịch. Trước đây, đa phần khách sẽ ký hợp đồng thuê dài hạn để tránh bị tăng giá theo thị trường nhưng giờ nhiều khách chỉ thuê 1 năm. Để có khách thuê, chị Hạnh phải chấp nhận tốn thêm chi phí ký gửi các sàn môi giới và đăng tin rao trên nhiều trang rao bán, thuê nhà để kiếm khách. Nửa tháng rao cho thuê, đến giờ mặt bằng nhà chị vẫn trống khách.

Theo nhận định của nhiều môi giới tại khu vực quận 1, ngoài sự ế ẩm do thị trường bất động sản ảm đảm, kinh tế khó khăn thì việc giá cho thuê cao đang là rào cản đối với các thương hiệu có nhu cầu thuê tại đây.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa cũng cho rằng, việc mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm TP.HCM ế ẩm một phần là do giá thuê tương đối cao, trong khi nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam không đông như hồi trước đại dịch. Mặc khác, thiếu chỗ đậu xe nên nhiều vị trí dù đẹp nhưng không phù hợp với các ngành nghề có liên quan ăn uống…

Đặc biệt, sau pha “ngắt” tín dụng trong mấy tháng qua khiến “tổn thương, thua lỗ”, nhiều chủ nhà hàng đã không dám trở lại với các mặt bằng quá tốn kém, họ chú trọng bán online, vì thế mặt bằng đẹp vẫn khó cho thuê. Có lẽ phải đến quý 2/2023, thị trường mặt bằng cho thuê ở các quận trung tâm mới phục hồi như lúc trước. Thực tế thì chủ đầu tư của những mặt bằng này cũng không vướng bận lắm đến vấn đề tiền bạc, thêm vào đó thì họ vẫn chờ khách du lịch quốc tế tăng trở lại.

Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM dự báo, trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng trực tuyến.

Trong dài hạn, bà Trang vẫn lạc quan cho rằng, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Đến năm 2025, giá trị bán lẻ ngoài cửa hàng được kỳ vọng sẽ tăng 15% mỗi năm, trong khi giá trị bán lẻ tại cửa hàng sẽ chỉ tăng 5% mỗi năm.

Thục Vy