Sơn La: Nâng chất lượng thẩm định hồ sơ, thủ tục về môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 10:03, 15/12/2022

(TN&MT) - Trong quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Sơn La đã quan tâm, chú trọng thẩm định các hồ sơ môi trường ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, cũng như xem xét, lựa chọn, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường. Qua đó, nhằm kiểm soát chặt, loại bỏ ngay từ đầu các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm.

Những năm qua, công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… luôn được tỉnh Sơn La đẩy mạnh triển khai. Các văn bản quy phạm pháp luật về ĐMC, ĐTM được xây dựng, rà soát, điều chỉnh ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các quy trình, thủ tục thẩm định được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng công tác thẩm định.

6-1-.jpg

Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT kiểm tra thực tế tại Nhà máy tinh bột sắn Sơn La phục vụ công tác cấp giấy phép môi trường.

Quá trình thẩm định được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định, được lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, các tổ chức, cá nhân chịu tác động trực tiếp của dự án. Góp phần nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo ĐTM và vai trò tham vấn, giám sát của cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai dự án.

Cùng với đó, nhằm đảm bảo quá trình triển khai xây dựng, triển khai dự án, nhất là với các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và các hồ sơ tương đương về môi trường, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát, phân loại các cơ sở theo 3 loại gồm: Cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, cơ sở có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường để tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm. Thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của Chủ dự án sau khi báo cáo ĐTM hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương được phê duyệt với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

6-2-.jpg

Kiểm tra công tác xử lý chất thải tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai phục vụ công tác cấp giấy phép môi trường.

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Giấy phép môi trường, báo cáo ĐTM, phương án cải tạo phục hồi môi trường với các dự án đầu tư, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên, môi trường làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng có UBND các huyện, thành phố tại địa điểm thực hiện dự án, đại diện các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia có chuyên môn về môi trường hoặc lĩnh vực khác có liên quan đến dự án đầu tư. Đã mở chuyên mục xin ý kiến tham vấn dự thảo Báo cáo ĐTM trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong quá trình thẩm định, việc khảo sát thực tế khu vực thực hiện dự án chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết. Song, Sở TN&MT luôn coi đây là nội dung quan trọng, 100% các dự án đều được Sở TN&MT tham mưu cho Hội đồng thẩm định tiến hành kiểm tra, khảo sát khu vực thực hiện dự án, để đưa ra các đánh giá, dự báo các vấn đề môi trường có thể phát sinh khi triển khai, đặc biệt là các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nguồn nước sinh hoạt, môi trường xung quanh… Trên cơ sở đó, yêu cầu chủ dự án có cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp để giảm thiểu tác động tới môi trường trong quá trình chuẩn bị, thi công cũng như khi đưa dự án vào hoạt động.

Năm 2022, Sở TN&MT Sơn La đã tiếp nhận, thẩm định 14 hồ sơ báo cáo ĐTM, 9 hồ sơ giấy phép môi trường, 2 hồ sơ kiểm tra xác nhận, vận hành thử nghiệm, 6 hồ sơ thông báo vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt… 100% các thủ tục hành chính về môi trường đều được giải quyết đúng thời hạn, đảm bảo không có có hồ sơ quá hạn.

Thông qua các giải pháp, nội dung, chất lượng các báo cáo ĐMC, ĐTM ngày càng rõ ràng, khoa học, chi tiết hơn. Công cụ ĐTM đảm bảo việc giám sát công tác bảo vệ môi trường với các dự án trọng điểm một cách chặt chẽ; đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái của một số dự án thủy điện, thông báo và yêu cầu các địa phương phải có giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các dự án sau khi được phê duyệt báo cáo ĐTM, các công trình xử lý môi trường một số dự án được điều chỉnh đảm bảo các yêu cầu đầu ra trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các hồ sơ về môi trường, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu đổi mới nội dung, hình thức thực hiện khảo sát thực địa, góp phần đánh giá, dự báo chính xác các tác động tới môi trường của dự án. Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các cam kết của chủ dự án, yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm các quy định theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cải tiến, lắp đặt thêm hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường...

Nguyễn Nga