Nhận BHXH một lần: Tạo sức ép lên hệ thống an sinh bền vững
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:55, 20/04/2022
Bị cắt quyền được hưởng các chế độ về hưu trí
Thông tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), trong quý I/2022, có 208.000 lượt người đã rút bảo BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, TP HCM có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ, khiến cơ quan BHXH tại một số quận quá tải.
Lý giải nguyên nhân số lượt rút BHXH một lần tăng từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (TCTK) cho biết, từ quý III/2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dòng di biến động dân cư tại một số tỉnh Đông Nam Bộ diễn ra, doanh nghiệp và NLĐ đều rất khó khăn. Thu nhập của NLĐ sụt giảm trầm trọng, nhiều người trở về quê và sử dụng hết số tiền tích lũy.
“Việc rút BHXH một lần giải quyết được bài toán trước mắt, nhưng NLĐ lại mất nhiều lợi ích về sau. Bởi nguồn BHXH như một quỹ, một khoản đầu tư lâu dài của họ, đặc biệt là sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay không còn khả năng lao động”, ông Huy nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ TCTK, trường hợp đã rút BHXH một lần thì NLĐ sẽ không được tiếp tục đóng BHXH. Như vậy, tính về lâu dài, thực trạng này rất đáng lo ngại. NLĐ sẽ bị cắt quyền được hưởng các chế độ về hưu trí, y tế... ảnh hướng trực tiếp đến hệ thống an sinh, đặc biệt trong bối cảnh dân số nước ta bắt đầu già hóa.
Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Huy Minh cho rằng “đây là một bài toán khó”. Điều quan trọng nhất là nhận thức của NLĐ, cần tăng cường tuyên truyền để họ hiểu và cân nhắc đến lợi tích lâu dài, tính an sinh bền vững mà nguồn BHXH đem lại.
Thách thức mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng người hưởng BHXH một lần trong những năm qua có xu hướng gia tăng đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH.
Ông Nam phân tích, nếu so sánh về tỷ lệ, thì số người hưởng BHXH một lần chiếm bình quân 4,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc, tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020. Điều này cũng có nghĩa là, cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người cũ rời khỏi hệ thống.
“Thực tế trên cho thấy, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong tương lai, thì không những diện bao phủ của BHXH rất khó đạt mục tiêu như mong muốn, mà còn là thách thức rất lớn đối với cả hệ thống an sinh xã hội nước ta”, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH quan ngại.
Cơ quan BHXH khuyến cáo NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần, tránh vì cái lợi trước mắt mà thiệt thòi về sau. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Theo thống kê, số người già trong cơ cấu dân số nước ta chiếm khoảng 16,8% (số người từ 61 tuổi trở lên đối với nam và 56 tuổi trở lên đối với nữ). Trong đó, số người hiện đang được hưởng tiền lương hưu hàng tháng từ quỹ BHXH là 2,21%; số người được trợ cấp lương hưu xã hội (những người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách) là 3,62%.
Như vậy, số người chưa có tiền lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay vẫn còn khoảng 10,97% (xấp xỉ 10 triệu người).
Bởi vậy, theo ông Nam, nếu những người tham gia mà nhận BHXH một lần trước khi về hưu có xu hướng ngày càng gia tăng, sẽ càng làm cho hệ thống hưu trí thiếu bền vững, nhất là trong điều kiện già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, gây sức ép lên ngân sách.
Người nhận một lần có xu hướng trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014 - 2018.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 - 29 tuổi (chiếm 27,6%); nhóm tuổi từ 30 - 34 tuổi đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 - 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 - 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6%.
Xét từ khía cạnh giới, các nhóm tuổi từ 25 - 29 tuổi và từ 30 - 34 tuổi là 2 nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới, tương ứng là 50,5% và 54,9%.
Tuy nhiên, nếu như ở nam giới nhóm tuổi từ 30 - 34 tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 25,9%; thì ở nữ giới nhóm tuổi từ 25 - 29 tuổi lại là nhóm có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 30%.
Xu hướng này ở phụ nữ có thể được giải thích là do phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang trong độ tuổi sinh đẻ, phải nghỉ việc sinh con. Còn đối với nam giới, lý do được đưa ra là họ ở độ tuổi cần chu cấp cho gia đình, nên khi mất việc thường nghĩ ngay đến đến nguồn tài chính từ chế độ BHXH một lần.
BHXH Việt Nam phân tích, có nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định này.
Vì vậy, cơ quan BHXH khuyến cáo NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần, tránh vì cái lợi trước mắt mà thiệt thòi về sau.
NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống, và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hằng năm). Riêng năm 2021, trước tác động của Covid-19, đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần, và hết quý I/2022, số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng 1% so với cùng kỳ. Để hạn chế làn sóng rút BHXH một lần, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm, song mức hưởng phải tính toán hợp lý để NLĐ đủ sống. |