Đo đạc và bản đồ Sơn La - Nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng tới hoàn thành cơ sở dữ liệu số

Đất đai - Ngày đăng : 14:55, 14/12/2022

(TN&MT) - Đồng hành cùng sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được quan tâm, củng cố, phát triển, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo đạc, bản đồ ngày càng được kiện toàn, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai trên toàn tỉnh.

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành đo đạc và bản đồ Sơn La đã tham mưu cho Sở TN&MT, UBND tỉnh triển khai các dự án đo đạc địa chính chính quy; đo đạc tổng thể; đo đạc cấp GCNQSDĐ lần đầu; trích đo địa chính phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB, đấu giá quyền sử dụng đất. Việc triển khai, thực hiện các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

1.jpeg

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, Sở TN&MT Sơn La có 3 đơn vị sự nghiệp thực hiện tác nghiệp về đo đạc và bản đồ, gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai. Ở các huyện, thành phố, hệ thống Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đều có chức năng hoạt động đo đạc bản đồ. Lực lượng đo đạc bản đồ trong toàn ngành có trên 100 cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên được đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp làm nhiệm vụ đo đạc, bản đồ. Qua thống kê, trên toàn tỉnh có 12 đơn vị được Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ TN&MT) cấp Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ.

Trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác đo đạc bản đồ được hiện đại hóa, đầy đủ hệ thống máy toàn đạc điện tử, máy vẽ, máy vi tính và các phần mềm phục vụ công tác đo đạc bản đồ; phần mềm tính toán bình sai; phần mềm hồ sơ địa chính và một số phần mềm chuyên ngành khác thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, xây dựng…

3.jpeg

Thông qua triển khai các dự án đo đạc địa chính chính quy, đo đạc tổng thể, đo đạc cấp GCNQSDĐ lần đầu, trích đo địa chính đã đáp ứng yêu cầu công tác lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Đất đai và Đo đạc bản đồ, Sở TN&MT Sơn La cho biết: Thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các quy định trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, đôn đốc tăng cường quản lý sử dụng sản phẩm và hoạt động đo đạc bản đồ, hướng dẫn việc đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy phạm pháp luật về đo đạc, bản đồ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc bản đồ hoặc sử dụng tài liệu đo đạc bản đồ trên toàn tỉnh.

Trong năm 2022, đã thành lập Tổ thẩm định cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động đo đạc bản đồ với các đơn vị hành nghề hoạt động đo đạc và bản đồ. Kiểm tra, thẩm định các loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2022, các bản trích đo phục vụ thu hồi đất, đấu giá đất và các chương trình dự án....

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TN&MT đã tập trung hoàn thành Dự án tổng thể trên địa bàn các huyện Mường La, Mai Sơn, Thành phố Sơn La, hiện đang giao Văn phòng đăng ký đất đai rà soát, tích hợp sản phẩm CSDL huyện Mường La, Mai Sơn và thành phố vào phần mềm VBDLIS để vận hành, khai thác cập nhật.

Cùng với đó, dồn các nguồn lực để xây dựng, hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu thuộc Dự án VILG trên địa bàn 6 huyện Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Vân Hồ. Bước đầu, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Hiện nay, Sở TN&MT đang tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 10 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Yên Châu và 3 xã huyện Sốp Cộp.

Đồng thời, đôn đốc các huyện, thành phố rà soát hồ sơ, thực trạng đất đai để có cơ sở lập hồ sơ đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại những địa phương chưa triển khai dự án. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ triển khai lập lập thiết kế - kỹ thuật dự toán đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu huyện Quỳnh Nhai; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý Quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2.jpg

Công tác đo đạc bản đồ ngày càng được hiện đại hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên toàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý chặt chẽ hoạt động đo đạc bản đồ, sản phẩm bản đồ theo quy hoạch, kế hoạch. Thực hiện kiểm tra, thẩm định chất lượng các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ, quản lý hệ thống tư liệu đo đạc, bản đồ và quản lý việc bảo mật, lưu trữ, cung cấp khai thác sử dụng thông tin tư liệu đo đạc bản đồ theo quy định.

Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đo đạc, rút ngắn được thời gian và đảm bảo được độ chính xác theo đúng quy trình quy phạm. Đảm bảo tự động hóa từ khâu đo đạc số liệu ngoài thực địa tới xử lý số liệu, in bản đồ, hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cập nhật, chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cách đồng bộ, thống nhất.

Nguyễn Nga