Bộ Công an hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Môi trường - Ngày đăng : 14:52, 14/12/2022
Theo Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân là mục tiêu hàng đầu, “quyết không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế”. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó, xác định trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân đối với công tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Đối với lực lượng CAND, tại Khoản 2 điều 167 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rất rõ trách nhiệm của lực lượng CAND với 3 nhóm nhiệm vụ mà Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện đó là: Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các đơn vị, các hoạt động công tác của lực lượng CAND theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường và là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Để việc tổ chức quán triệt nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan trong CAND có hiệu quả, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản liên quan, nhất là các lực lượng tham gia trực tiếp vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh phòng ngừa tội phạm về môi trường; chủ động xây dựng kế hoạch để huy động các lực lượng tham gia xử lý, ứng phó với thiên tai hiểm họa liên quan đến môi trường.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong CAND, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế - đơn vị Thường trực Bộ Công an tham mưu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong CAND chia sẻ: Lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Thời gian qua, triển khai công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong CAND, Bộ Công an đã từng bước hình thành và kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của lực lượng CAND từ cơ quan Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng đã được xây dựng, làm căn cứ để triển khai công tác BVMT trong toàn lực lượng. Bộ cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ BVMT, ứng phó với thiên tai.
Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác BVMT định kỳ, đột xuất; tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường đối với một số lĩnh vực đặc thù và triển khai các giải pháp, mô hình BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu trong CAND. Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và hiện trạng môi trường của ngành Công an tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công an.
Chia sẻ về những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông Nguyễn Hưng Thịnh Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Luật có nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân. Cụ thể, bên cạnh trách nhiệm quản lý Nhà nước về tổ chức thực hiện pháp luật về BVMT trong hoạt động của ngành, lực lượng Công an nhân dân còn tham gia bảo vệ môi trường đất, thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường; thanh tra, kiểm tra và bảo đảm cơ chế phối hợp giữa lực lượng cảnh sát với các lực lượng khác liên quan; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường… đối với các công trình, dự án, hoạt động đặc thù của ngành Công an.
Những điểm mới trong Luật cần lưu ý đối với lực lượng công an nhân dân như: Quy định về đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, nước; thúc đẩy phân loại rác tại nguồn; thẩm quyền quản lý Nhà nước; thị trường các-bon; bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…
Tại Hội nghị, Công an đơn vị, địa phương tập trung tham luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phương hướng, giải pháp triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong lực lượng CAND.
Trên cơ sở các ý kiến, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an phối hợp với Cục Y tế nghiên cứu, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và công tác bảo vệ môi trường trong CAND.
Cục Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị, sửa đổi bổ sung một số quy định để đảm bảo việc tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có hiệu quả; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong CAND; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Công an các đơn vị, địa phương. Kịp thời tổng hợp thông tin, báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý, khắc phục các hạn chế, thiếu sót.
Đối với Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đề nghị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ chiến sĩ và Công an các địa phương để việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu quả.