Kỷ niệm 63 năm Ngày Truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:33, 14/12/2022
Cách đây 63 năm ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, kể từ đó đến nay, ngày này được lấy làm Ngày Truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Cùng với chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam với truyền thống lâu đời đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả quan trọng. Bản đồ Việt Nam đã được sử dụng như một công cụ để quản lý đất nước từ năm 1490 thời Hồng Đức nhà Lê. “Đại Nam Nhất thống Toàn đồ” do vua Minh Mạng nhà Nguyễn công bố năm 1834 là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện tương đối chi tiết, đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta tại thời điểm đó.
Ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết, từ ngày 14/12/1959 đến nay, Cục đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ và giữ vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Qua các thời kỳ cách mạng và xây dựng đất nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn từ 1959 đến 1974, Ngành đã thực hiện được khối lượng công việc lớn và quan trọng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng đất nước ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc như xây dựng xong mạng lưới khống chế tọa độ, độ cao và hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 ở miền Bắc, trong đó, nổi bật là hoàn thành và chính thức công bố đưa vào sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ HN-72.
Giai đoạn 1974-1994, thành quả chủ yếu của ngành Đo đạc và Bản đồ là hoàn chỉnh hệ thống toạ độ, độ cao, trọng lực quốc gia, hiện chỉnh và chuyển sang hệ tọa độ HN-72 cho hệ thống bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000, đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và 1/10.000 phủ trùm một số khu vực kinh tế quan trọng, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ đất nước.
Từ 1994 đến nay, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng thông tin địa lý quốc gia kịp thời cung cấp dữ liệu không gian địa lý phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Cục đã chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cục cũng xây dựng và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hệ thống văn bản quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Đặc biệt, trong năm 2022, theo chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục đã trình Bộ ban hành 3 Thông tư, 1 Thông tư đang trình Vụ Pháp chế thẩm định; xây dựng trình Bộ ban hành 2 văn bản hợp nhất các Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Về công tác biên giới, Cục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ theo các văn kiện pháp lý trong công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện khảo sát đơn phương phục vụ rà soát song phương sau mười năm hai bên hoàn thành phân giới cắm mốc theo Nghị Định thư phân giới, cắm mốc tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc...
Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc, tiếp nối truyền thống 63 năm xây dựng và phát triển của Ngành, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.