Ninh Bình tập trung triển khai số hoá di sản

Văn hóa - Ngày đăng : 11:41, 14/12/2022

Để phát huy giá trị di sản, kịp thời thích ứng trong bối cảnh mới, Ninh Bình đang tích cực triển khai việc số hoá di sản thông qua việc xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, trải nghiệm đa phương tiện…

Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Tại Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), việc số hóa đang được tích cực triển khai nhằm kịp thời thích ứng trong bối cảnh mới.

bao-vat-quoc-gia.jpeg
Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá. Ảnh: D.A

Hiện nay, Trung tâm đang lưu giữ khoảng 50 bản sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Những hiện vật quý này được bảo quản cẩn trọng trong kho lưu trữ và ít khi được trưng bày cho du khách tham quan. Tuy nhiên, với việc số hóa, trong thời gian tới, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng các di sản này một cách chi tiết, cụ thể qua các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh.

Ông Giang Bạch Đằng - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư - cho biết, Trung tâm đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia quý giá. Thời gian qua, bên cạnh việc sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực Nhà trưng bày “Di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê”, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Các hiện vật sẽ được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm, để quảng bá trên các cổng thông tin du lịch thông minh.

a1.jpg
Lượng khách đến với Cố đô Hoa Lư ngày càng tăng nhờ số hoá các hiện vật

Theo ông Đằng, khi mà chuyển đổi số đang là một quá trình tất yếu diễn ra, thì việc số hóa các di sản mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp, trong khi đó, tính trực quan, độ tin cậy lại rất cao. Đồng thời, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ… Nhờ những nỗ lực trên, lượng khách đến với Cố đô Hoa Lư ngày càng tăng, trở thành điểm nhấn của du lịch Ninh Bình.

Anh Nguyễn Văn Đăng, du khách tỉnh Sơn La cho biết, sắp tới, không cần di chuyển về Ninh Bình, chúng tôi vẫn có thể tìm hiểu và xem được các thông tin về di tích trên điện thoại, rất tiện lợi và phù hợp cho những người thích tìm hiểu và quan tâm đến văn hóa, du lịch...

Tỉnh Ninh Bình hiện có 388 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 5 bảo vật quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, quảng bá du lịch đang là xu thế của thời đại, cần tiếp tục triển khai, nhân rộng. Sự đổi mới này sẽ tạo thêm động lực kích cầu du lịch, đồng thời bảo tồn văn hóa, gìn giữ các giá trị truyền thống cách mạng của quê hương, góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác số hóa di sản văn hóa cũng cần triển khai trên nền tảng công nghệ thống nhất, tránh rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, khi kết nối sẽ không liên thông được bởi không tương thích. Việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cũng cần được thực hiện bài bản, thống nhất, khoa học. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Tỉnh đoàn Ninh Bình đã xây dựng và ra mắt mô hình "Số hóa các địa chỉ đỏ" trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại một số điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên (huyện Hoa Lư). Hoạt động này được thực hiện mang ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương."

Tuyết Chinh