Nước là nguồn tài nguyên được Lào Cai đặc biệt quan tâm

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:00, 13/12/2022

(TN&MT) - Nước là yếu tố đảm bảo sự sống và mọi hoạt động sản xuất của người dân, vì vậy, vấn đề tài nguyên nước được Lào Cai đặc biệt quan tâm, việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước cần phải được các địa phương đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan như hiện nay.

Để hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho sự phát triển bền vững của địa phương, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Vũ Đình Thủy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai xung quanh vấn đề này.

PV: Lào Cai là tỉnh vùng cao có tài nguyên nước rất phong phú. Xin ông cho biết, tỉnh đã sử dụng và bảo vệ nguồn nước như thế nào cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội?

3-2-.jpg

Ông Vũ Đình Thủy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai

Ông Vũ Đình Thủy: Tài nguyên nước của tỉnh Lào Cai gồm có nước mưa, nước mặt, nước dưới đất. Về nguồn nước mặt, tỉnh Lào Cai là tỉnh có số lượng sông suối rất lớn, theo Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020 của Bộ TN&MT, tỉnh Lào Cai có 5 sông suối liên quốc gia, 8 sông suối liên tỉnh. Ngoài ra, có 77 sông suối nội tỉnh và 148 hồ chứa với tổng dung tích 16.935.000m3.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình của tỉnh Lào Cai bị phân cắt mạnh nên việc phân bổ nguồn nước chênh lệch nhau rất lớn giữa các vùng trong tỉnh. Lượng mưa tại Lào Cai phân bố không đều theo thời gian, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm khoảng từ 75% đến 85% tổng lượng mưa năm. Mùa khô chỉ chiếm 15% đến 25% lượng mưa năm, 2 tháng có lượng mưa nhỏ nhất trong năm là tháng 1 và tháng 2.

Xác định an ninh nguồn nước là vấn đề then chốt, có vai trò quyết định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, cần đáp ứng các tiêu chí: trữ lượng ổn định, chất lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các mục đích khai thác, sử dụng nước, do đó, hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát đối với các nguồn nước chính có vai trò quan trọng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lào Cai đã kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước; hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước… Đồng thời, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp sử dụng hợp lý nguồn nước, tránh lãng phí; có kế hoạch tích nước cho mùa khô, không để tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và trồng trọt.

PV: Xin ông cho biết, những khó khăn, thách thức tỉnh Lào Cai gặp phải trong công tác bảo vệ tài nguyên nước?

Ông Vũ Đình Thủy: Ở vào vị trí địa lý đặc biệt, thách thức lớn nhất của Lào Cai là không có (hoặc rất ít) thông tin về chế độ khai thác, diễn biến chất lượng nguồn nước cũng như các hoạt động khác có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng của các nguồn nước quốc tế. Đối với các nguồn nước nội tỉnh, chưa được đầu tư đủ hệ thống quan trắc, giám sát đánh giá trữ lượng, chất lượng và diễn biến của nguồn nước. Hiện, Lào Cai mới chỉ đầu tư được 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất để phục vụ cho công tác bảo vệ nguồn nước.

3-1-.jpg

Lào Cai bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước là then chốt cho sự phát triển bền vững.

PV: Để công tác bảo vệ và sử dụng nguồn nước đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai có những giải pháp, kế hoạch gì? Cũng như kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương?

Ông Vũ Đình Thủy: Bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước quốc tế (sông Hồng, sông Chảy) có vai trò rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và các tỉnh hạ du sông Hồng.

Nhận thức vấn đề này, tỉnh Lào Cai đã chủ động, tích cực đề xuất các bộ và Chính phủ về vấn đề thành lập Ủy ban Sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin về nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của 2 quốc gia. Tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung này vào trao đổi, đề xuất hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sở TN&MT Lào Cai thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng, lưu lượng nước sông Hồng. Khi xảy ra các hiện tượng bất thường, chủ động báo cáo Bộ TN&MT cùng các tỉnh hạ du sông Hồng để kịp thời ứng phó.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang tổ chức lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là vấn đề hết sức cần thiết trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra diễn biến phức tạp cho nguồn nước, trong khi lượng nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp đòi hỏi ngày càng cao.

Vì vậy, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị thành lập “Ủy ban Sông Hồng Việt Nam”. Đây là cơ quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực sông Hồng. Đề nghị Bộ TN&MT đầu tư nâng cấp trạm quan trắc nước sông Hồng, đầu tư bổ sung xây dựng 1 trạm quan trắc nước sông Hồng tại khu vực nguồn nước sông Hồng chảy vào Việt Nam (tại khu vực Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước, kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Hợp (thực hiện)