Công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn: Cần được tiếp cận đất đai nhiều hơn

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 13:00, 13/12/2022

(TN&MT) - Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn.

Cần đảm bảo quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập sau 9 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai, qua đó phát huy vai trò của nguồn lực quan trọng này trong tiến trình phát triển đất nước.

4(1).jpg

Nhiều địa phương đã xây dựng khá nhiều dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người lao động nhập cư. Ảnh: Đình Trọng

Cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đề nghị, khi sửa đổi và ban hành Luật Đất đai mới cần đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn.

Đại biểu phân tích, thực tế hiện nay, các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều trên mọi miền đất nước, nhưng khâu quản lý về quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân không đạt được kết quả như mong muốn. Hiện, phần lớn các công nhân - một trong những lực lượng chính tạo nên của cải, vật chất cho xã hội phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ và không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để.

Có thể nói, khó khăn, vướng mắc phát triển nhà ở cho công nhân, cho người lao động là rất nhiều, đã được bàn thảo suốt thời gian qua, do đó, để đảm bảo nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu công nhân, đại biểu cho rằng, để đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.

Kế thừa Luật Đất đai hiện hành, điểm d, Điều 143 Dự thảo luật đã quy định "trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 162”. Như vậy là rất cần thiết, song đại biểu đề xuất chính sách ưu đãi đối với những trường hợp xây nhà cho công nhân và người lao động thuê, nhằm tăng nguồn cung đối với đối tượng này.

“Luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành quy định các trường hợp đất đã được giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Bởi chính sự mâu thuẫn, chồng chéo này mà doanh nghiệp khó tiếp cận với quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua. Theo tôi, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai cần có phương án xử lý nút thắt này”, đại biểu nhấn mạnh.

Đảm bảo quyền về đất ở cho người dân ở nông thôn

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, ở nông thôn hiện nay có một thực tế rất nhiều hộ gia đình chia đất cho các con để các con làm nhà để sinh sống. Theo quy định hiện hành, người dân sẽ phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, với nhiều người đây là một khoản tiền rất lớn, lên đến hàng chục và thậm chí cả trăm triệu. Khi đó, năng lực của người dân cũng rất hạn chế, người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không có năng lực, người dân theo nhu cầu họ phải xây dựng nhà và việc xây dựng này là trái phép.

Do đó, Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta không có một giải pháp căn cơ thì một mặt, pháp luật về đất đai không thực hiện nghiêm chỉnh, mặt khác, quyền có chỗ ở của người dân cũng không được đảm bảo. Đại biểu đề xuất cần có những chính sách, mức thu tiền sử dụng đất cho phù hợp đối với các trường hợp người dân được công nhận quyền sử dụng đất lần đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất, như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn quyền tiếp cận nhà ở của người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Liên quan đến quyền lợi của người dân trong vấn đề đất đai, cụ thể là bảng giá đất hằng năm dùng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuế, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai đã quy định bảng giá đất hằng năm do Sở TN&MT có trách nhiệm giúp UBND tỉnh xây dựng để trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND tỉnh quyết định ban hành. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo giao thẩm quyền tham mưu bảng giá đất hằng năm cho Sở TN&MT là chưa phù hợp và nên giao cho Sở Tài chính với chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm của mình, ngành này sẽ làm tốt hơn, chính xác hơn và phù hợp với dự án Luật Giá mà Quốc hội đã có ý kiến vừa qua.

Trường Giang