Leo núi và nhặt rác

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 12:59, 13/12/2022

(TN&MT) - Đó là một hành động đẹp mà người viết bài này tận mắt chứng kiến trong một lần chinh phục “sống lưng khủng long” ở Bình Liêu, Quảng Ninh.

Gọi là “Sống lưng khủng long” bởi cung đường độc đáo này nằm trên sống núi, nối các điểm mốc giới với nhau, tạo thành gạch nối như sống lưng của con khủng long thời tiền sử. Đây cũng được mệnh danh là một trong những cung đường khó chinh phục nhất miền Bắc. Hai bên đường là đồi núi trập trùng được phủ một màu xanh bạt ngàn tạo cho nơi đây vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Đứng từ đây, du khách dễ dàng "thu nhỏ" Bình Liêu vào trong tầm mắt, cảm nhận được những nét tuyệt sắc, những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa tiên cảnh, những cung đường uốn lượn trắc trở, lúc ẩn lúc hiện, chạy thẳng vào mây, những sóng núi lô xô, xanh thẳm đến chân trời.

6a-1-.jpg

Tuy nhiên, trên chặng chinh phục sống khủng long Bình liêu lần này, điều làm cho các thành viên trong đoàn thấy ý nghĩa hơn không chỉ là cảnh đẹp, cũng không chỉ là câu chuyện về một thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn đã hoàn thành chinh phục mọi thử thách đáng nhớ của chuyến đi mà là câu chuyện leo núi và nhặt rác của bạn ấy.

6a-2-.jpg

Ốc - nick name của thành viên 8 tuổi, cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn, ở chặng xuống núi đã tự nguyện nhặt các chai nhựa do những người leo núi bỏ lại trên đường để mang xuống chân núi, xếp gọn gang và nơi tập kết rác.

Trên lưng Ốc là balo, máy ảnh, hai tay cậu bé lỉnh kỉnh hai túi đựng chai nhựa, ốc làm công việc này một cách chăm chú. Khi người lớn hỏi “Nhặt rác để làm gì”, Ốc hồn nhiên bảo chỗ này về bán lấy tiền mua một chiếc kẹo để ăn. Một chiếc kẹo thật nhỏ bé nhưng thực ra sự tử tế dù nhỏ tới thế nào cũng sẽ không bao giờ là lãng phí.

P/s: Chỉ khi nào cúi xuống nhặt rác, bạn mới cảm thấy con người đã xả rác kinh hoàng thế nào.

Việt Hùng