Miền Trung: Quyết liệt kiểm soát ô nhiễm - Cải thiện chất lượng môi trường - Nghệ An: Khai tử "điểm đen" ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 12:58, 13/12/2022

(TN&MT) - Từ những đơn vị bị "điểm mặt" là cơ sở gây ô nhiễm hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), bằng sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của tỉnh Nghệ An, vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng tỉnh, sự nghiêm túc của các chủ đầu tư dự án hoặc đơn vị liên quan, hàng loạt cơ sở thuộc diện gây ô nhiễm môi trường đã được “khai tử”.

Hàng loạt đơn vị hoàn thành xử lý ô nhiễm

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2003 đến năm 2015, toàn tỉnh Nghệ An có 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường, ÔNMTNT. Từ năm 2016 đến nay, không phát sinh thêm cơ sở ÔNMTNT.

Sở TN&MT Nghệ An đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm thực hiện các biện pháp xử lý triệt để theo phương án đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, đưa 61/77 cơ sở ra khỏi danh sách "đen" ô nhiễm. Tuy nhiên, số cơ sở gây ô nhiễm chưa được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để hiện nay vẫn còn 16 cơ sở. Một số cơ sở do rác thải đặc thù, phức tạp (bệnh viện, bãi rác...) nên việc đầu tư cho các công trình xử lý rác triệt để đòi hỏi công nghệ, chi phí rất cao, bên cạnh đó, các cơ sở là đơn vị thuộc khu vực công ích, không chủ động được nguồn kinh phí, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách bố trí. Vì thế, tiến độ xử lý tại các cơ sở này thường chậm hơn so với thời gian quy định.

Ông Lê Văn Hưng -

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An

Đến nay, đã có 61/77 cơ sở ô nhiễm môi trường, ÔNMTNT đã được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Còn 16 cơ sở (9 ÔNMTNT, 7 ô nhiễm môi trường) chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để, trong đó có 11 cơ sở công ích.

Về kết quả xử lý, hiện nay, có 32 cơ sở gây ÔNMTNT đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để. Trong đó, trước năm 2018 có 17 đơn vị; năm 2018 có 7 đơn vị; năm 2019 có 4 đơn vị; năm 2020 có 2 đơn vị và mới nhất là năm 2021 có 2 đơn vị (bao gồm Cơ sở cai nghiện bắt buộc (Cơ sở 2) và Công ty CP bia Hà Nội - Nghệ An).

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, có 28 đơn vị đã được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để. Trong đó, trước năm 2018 có 12 đơn vị hoàn thành xử lý; năm 2018 có 7 đơn vị; năm 2019 có 9 đơn vị được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để.

Bãi rác thị xã Thái Hòa, cơ sở có tên trong Quyết định 3750/QĐ-UBND-ĐC ngày 15/9/2011 của UBND tỉnh Nghệ An và Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2013 về việc gây ÔNMTNT như không có hệ thống thu gom, thoát nước mặt; xử lý nước rỉ rác; không có tường rào cách ly… vì thế nước thải vượt QCVN. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2483/QĐ-UBND.ĐN ngày 29/6/2011 phê duyệt dự án xử lý triệt để ÔNMTNT với tổng kinh phí 28 tỷ đồng, giao UBND thị xã Thái Hòa làm chủ đầu tư. Sau một thời gian thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay.

Tiếp tục xử lý các “điểm đen” còn lại

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, đến nay, tỉnh chỉ còn 16 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ÔNMTNT chưa được xác nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm.

8-9-7-.jpg

Công ty CP mía đường Sông Lam - xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đến tháng 3/2022 vẫn tiếp tục xả thải đen ngòm ra sông Lam.

Cụ thể, đối với các đơn vị thuộc diện công ích như bệnh viện và bãi rác, hiện, có 2 bệnh viện đang cải tạo khắc phục hệ thống xử lý nước thải là Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ngoài ra, 2 bệnh viện đang trong giai đoạn thống nhất lựa chọn công nghệ xử lý với chủ đầu tư là Ngân hàng tái thiết Đức gồm Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Đối với các bãi rác thải sinh hoạt, 5 bãi rác đã thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, bao gồm: Bãi rác thị xã Cửa Lò; bãi rác huyện Diễn Châu; bãi rác Đông Vinh đang tiến hành chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên để xử lý, hiện đang cải tạo ô nhiễm khu vực đất của bãi rác; 2 bãi rác huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn mới bắt đầu triển khai xử lý. Hiện, còn 2 bãi rác đang tiến hành các thủ tục để lập hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí xử lý bao gồm bãi rác huyện Tân Kỳ và huyện Con Cuông.

Đối với các cơ sở chế biến nông sản có Xưởng chế biến bột sắn và dong riềng Phan Văn Trạch (tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn) hiện đơn vị này đã lập kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường gửi về Sở TN&MT. Công tác thực hiện xử lý môi trường đang được Xưởng tiến hành theo kế hoạch, đảm bảo hoàn thành xử lý trước 31/12/2022.

Xí nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu cà phê cao su Nghệ An (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) đang chuẩn bị di dời sang địa điểm khác (dừng hoạt động địa điểm cũ). Tại vị trí mới hiện chưa hoạt động. Mới đây, ngày 3/3/2022, Sở TN&MT Nghệ An đã có Công văn đề nghị Xí nghiệp này khẩn trương thực hiện việc di dời về địa điểm mới và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo đúng quy định.

Đối với Công ty CP mía đường Sông Lam, vào tháng 5/2022, Sở TN&MT Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành xử lý vi phạm hành chính số tiền 45 triệu đồng do hành vi quản lý chất thải rắn công nghiệp không đúng quy định.

Đình Tiệp