Hơn 500 tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển
Môi trường - Ngày đăng : 21:13, 10/12/2022
Lễ tổng kết là dịp nhìn lại chặng đường bảo tồn Rùa biển trong 8 năm qua, đồng thời để các chuyên gia, tổ chức kết nối mở rộng mạng lưới tạo thêm nguồn lực cho hoạt đồng bảo tồn rùa biển tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Bùi Thị Thu Hiền – Điều phối viên Chương trình Biển và Vùng bờ IUCN cho biết: Qua 8 năm thực hiện, chương trình bảo tồn rùa biển đã nhận được khoảng 11.000 đơn đăng ký tham của các bạn tình nguyện viên (TNV) trên khắp cả nước, hơn 500 bạn TNV được lựa chọn tham gia và hơn 20.000 người theo dõi kênh fanpage của chương trình. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm và đồng hành của rất nhiều bạn TNV trên khắp cả nước, từ mọi độ tuổi, mọi ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một mục đích, một hướng đến đó là bảo vệ rùa biển và bảo vệ môi trường sống của rùa biển và ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi TNV đều có những trải nghiệm riêng biệt và sức lan tỏa khác nhau tạo nên một mạng lưới TNV bảo tồn rùa biển rộng khắp trên cả nước.
Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển được biết đến bao gồm Vich, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da. Hiện nay, số lượng của các loài rùa này đang ngày càng giảm mạnh và tất cả các loài này đều được liệt kê trong Sách đỏ IUCN và thuộc danh sách những loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/ND-CP. Tuy nhiên, số lượng những báo cáo và nghiên cứu về các loài rùa này tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Theo kết quả nghiên cứu do IUCN và Viện Nghiên cứu Môi trường biển (IMER) thực hiện, số lượng rùa lên đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10,000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019. Hầu hết số lượng rùa lên đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (425 cả thể một năm) và hầu hết là Vich. Cũng theo một khảo sát do IUCN thực hiện năm 2017 tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung thì hai trong số năm loài rùa trên là đồi mồi và rùa da đã được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng rùa biển là do khai thác quá mức các bãi đẻ của rùa, nhận thức của cộng đồng còn kém dẫn đến tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rủa, mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và sự suy giảm chất lượng môi trường. Cùng với đó, rạn san hô và thảm cỏ biển tại các vùng biển ở Việt Nam đang bị suy thoái nhanh thậm chí tại cả các khu bảo tồn biển. Ô nhiễm rác thải nhựa cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển trong đó có rùa biển.
Trước thực trạng đó, từ năm 2014, IUCN đã khởi xướng chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển với sự hợp tác của Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Bảo tồn Biển Hòn Cau và Vườn Quốc gia Núi Chúa, Khu bảo tồn biển Lý Sơn, VQG Bái Tử Long,…
Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của rùa biển; đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ cán bộ chuyên môn tại các khu bảo tồn rùa biển; hỗ trợ bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, thu gom rác tại các bãi biển...; tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn rùa biển.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã trao giải cuộc thi Ký ức rùa biển cho các tác giả thuộc các hạng mục: ảnh, video, ý tưởng dự án.