Lào Cai: Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Trong nước - Ngày đăng : 20:56, 09/12/2022
Hội nghị triền khai Nghị quyết của tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách Nhà nước của tỉnh năm 2023 là hội nghị đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng đơn vị, từng huyện trên địa bàn.
Năm 2022, tỉnh Lào Cai đã bám sát các chủ trương chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để xác định các nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2022 kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã quay trở lại đà tăng trưởng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại. Tốc độ phát triển kinh tế đạt loại khá, quốc phòng an ninh được củng cố tăng cường.
Các chỉ số phát triển năm 2022 cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 11%. Cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 12,77%. Công nghiệp - xây dựng chiếm 46,89%. Dịch vụ chiếm 40,34%, GRDP bình quân đầu người là 103 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 53.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.000 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác là 95 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp là trên 51.100 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn 6 triệu lượt, doanh thu du lịch trên 20.500 tỷ đồng. Đặc biệt, môi trường được cải thiện với tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị đạt 95%, tỷ lệ lượng chất thải rắn tại khu dân cư nông thôn tập trung thu gom, xử lý đạt 77%. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 94%. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%...
Phát biểu khai mạc hội nghị Chủ tịch tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, năm 2022 Lào Cai đã làm tốt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công. Năm 2023 tỉnh Lào Cai tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực thực hiện 07 nhiệm vụ trong tâm, 02 lĩnh vực đột phá, 18 Đề án và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đặc biệt là các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Lào Cai trong năm 2022. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện hiệu quả các nội dung phân cấp, đổi mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp. Tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác; xây dựng Lào Cai trở thành "Cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc" của vùng và cả nước.
Được biết, các nhiệm vụ chủ yếu được tỉnh Lào Cai đề ra trong hội nghị triền khai Nghị quyết của tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách Nhà nước của tỉnh năm 2023 là: Giữ vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, chủ động xây dựng phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Tiếp tục tập trung phục hồi sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường phát triển các nguồn lực ngoài nhà nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng và hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số. Tăng cường quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.