Nhân chuyến công tác của Thủ tướng: Thông điệp về một Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Thời sự - Ngày đăng : 18:21, 08/12/2022
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng; góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII về: “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”; Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh về nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”; Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”.
Đồng thời, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, thách thức khó lường như hiện nay. Chuyến công tác cũng góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Luxembourg, Hà Lan và Bỉ trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và 3 nước.
Thành viên có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế
Quan hệ ASEAN-EU được thiết lập năm 1977 và nâng lên thành Đối tác chiến lược năm 2020. Sau 45 năm quan hệ hai bên tiến triển và bao trùm trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị-an ninh, trong “Chiến lược hợp tác của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” ngày 19/4/2021, EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác sâu rộng với ASEAN.
EU tham gia các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU hàng năm; Diễn đàn khu vực ASEAN… EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và là tổ chức khu vực đầu tiên gia nhập Hiệp ước này. EU cũng cử Đại sứ chuyên trách và lập Phái đoàn EU tại ASEAN từ năm 2016, thể hiện cam kết và quyết tâm tăng cường, làm sâu sắc quan hệ với ASEAN. Đến nay, đã có 25 nước thành viên EU cử Đại sứ tại ASEAN.
Về kinh tế - thương mại, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ); là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ hai của ASEAN (sau Hoa Kỳ) với tổng FDI năm 2021 đạt 26,5 tỷ USD; trong khi đó, ASEAN hiện là đối tác lớn thứ 3 của EU (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) ngoài châu Âu. Tổng thương mại năm 2021 của hai bên đạt 268,92 tỷ USD.
Trong hợp tác kinh tế, EU hiện hỗ trợ ASEAN thông qua 2 chương trình chủ đạo: Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường của EU (ARISE Plus) và Đối thoại chính sách khu vực EU-ASEAN nâng cao (E-READI). Các chương trình này nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế toàn diện và hội nhập kinh tế cho khu vực ASEAN, tạo thuận lợi cho đối thoại chính sách về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tăng cường năng lực đa lĩnh vực cho các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN,…
Từ nhiều năm qua, ASEAN và EU cũng đã thảo luận về khả năng thiết lập hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và EU. Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM)-Cao ủy Thương mại EU lần thứ 18 (Phnom Penh, 18/9/2022), hai bên đã nhất trí thúc đẩy trao đổi nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể cùng quan tâm như phát triển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ xanh và dịch vụ xanh… và hình thức triển khai phù hợp để xây dựng định hướng phát triển hợp tác kinh tế thương mại mới giữa ASEAN và EU, trong khi vẫn duy trì mục tiêu dài hạn về thiết lập hiệp định thương mại giữa ASEAN và EU. Tại Hội nghị này, hai bên đã thông qua Chương trình công tác Thương mại và Đầu tư giai đoạn 2022-2023.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác đầu tiên thúc đẩy hỗ trợ ASEAN trong ứng phó COVID-19 và phục hồi sau đại dịch với gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro; chương trình hỗ trợ các nước Đông Nam Á ứng phó đại dịch trị giá 20 triệu Euro và đã tổ chức hai lần Đối thoại giữa các chuyên gia y tế của hai bên về vaccine phòng COVID-19.
Hai bên cũng chia sẻ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Quan hệ Việt Nam - EU thời gian qua phát triển sâu rộng. Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU. Hai bên có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam.
Về viện trợ phát triển, EU là một trong những nhà viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Sau hơn 2 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch 10 tháng của năm 2022 đạt hơn 52 tỷ USD; đưa Việt Nam trở thành Đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU. Hai bên đang kỷ niệm 10 năm nâng cấp Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (2012-2022).
Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa hai bên, với sự tham gia của Lãnh đạo các nước thành viên kể từ khi thiết lập Quan hệ đối thoại vào năm 1977, nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020. Chuyến đi góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU và quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên EU, góp phần giải quyết những tồn đọng, vướng mắc.
Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Luxembourg, Bỉ, Hà Lan
Năm 2023, Việt Nam sẽ cùng 3 nước Luxembourg, Hà Lan, Bỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Trong 50 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và 3 nước phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu thông qua duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Luxembourg, Hà Lan và Bỉ đều thuộc nhóm đối tác kinh tế-đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Về đầu tư và phát triển, Luxembourg là nhà đầu tư lớn thứ 3 của EU tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD, là một trong những nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Luxembourg coi Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong hỗ trợ phát triển với tổng viện trợ đến nay đạt 129 triệu Euro. Hai bên hiện đang trao đổi, thúc đẩy khả năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 8,37 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2020; 9 tháng của năm 2022 đạt 8,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, Hà Lan có 380 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD. Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững, hai bên đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác mang định hướng trung và dài hạn. Hai năm qua, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ của Hà Lan 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19, các trang thiết bị trị giá 43 tỷ đồng.
Quan hệ Việt Nam-Bỉ phát triển tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư và nông nghiệp. Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt 4,3 tỷ USD năm 2021, tăng 54% so với năm 2020.
Hai bên đang triển khai nhiều chương trình hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp và đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng; trong đó có các hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người và xâm hại trẻ em, đào tạo quân y, rà phá bom mìn và gìn giữ hòa bình.
Về đầu tư, Bỉ có 82 dự án tại Việt Nam với vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, Bỉ đã dành 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam 100 nghìn liều vaccine phòng COVID-19 vào năm 2021.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới 3 nước châu Âu vừa góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam và các nước; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của ba nước châu Âu với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; đồng thời, giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics với Luxembourg; kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo với Hà Lan; kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái với Bỉ.
Cùng với đó, khuyến khích ba nước nói riêng và các nước EU nói chung đầu tư vào hạ tầng chiến lược của Việt Nam như chuyển đổi số, logistics, cảng biển, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh; vận động các nước tiếp tục có quan điểm mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ và đoàn phát đi thông điệp về một Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương; đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực quan trọng từ EU và các nước thành viên trong công cuộc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID-19.