TP.HCM: Đảm bảo xử lý an toàn, hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 11:38, 08/12/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, hiệu quả khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh lên tới gần 10.000 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được thí điểm những chính sách đặc thù trong lĩnh vực quản lý CTRSH.

Tăng tốc chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Mặc dù khối lượng CTRSH phát sinh mỗi ngày trên địa bàn thành phố rất lớn, song, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý luôn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng trong ngày. Hiện, công tác thu gom CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100%. Đồng thời, TP.HCM đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

a1.jpg

TP.HCM đang đảy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt nhằm giảm dần công nghệ chôn lấp

Về công nghệ xử lý, CTRSH đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế. Để đảm bảo đạt mục tiêu tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp. Theo đó, TP.HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố; đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện đang và sẽ triển khai: Công ty CP Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày); Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.

Ngoài ra, TP.HCM đang hoàn thiện quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trước mắt, sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.

Về công tác quản lý Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2021, TP.HCM đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đã bám sát vào các quy định của Trung ương và dựa trên tình hình thực tế tại địa phương nên việc thực thi đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở TN&MT đã cho ra mắt ứng dụng quản lý phương tiện vận chuyển. Dữ liệu được liên thông, liên kết với nhau qua internet phục vụ việc trao đổi thông tin giữa chủ nguồn thải, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải với cơ quan quản lý.

a2.jpg

TP.HCM đảm bảo thu gom 100% khối lượng CTRSH phát sinh hàng ngày

Cơ quan quản lý sẽ quản lý được đường đi và “vòng đời” của chất thải, từ đó, hạn chế tình trạng chất thải vận chuyển không đúng địa chỉ hoặc xử lý ít nhưng báo cáo nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Mới đây, UBND TP.HCM đã có kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, TP.HCM kiến nghị Trung ương thí điểm cho UBND thành phố có cơ chế chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các nhà đầu tư hiện hữu để xử lý khối lượng CTRSH phát sinh hiện nay nhằm kịp thời giải quyết lượng CTRSH phát sinh trong thực tế, đảm bảo an ninh, an toàn xử lý chất thải. Đồng thời, cho phép thành phố đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác đối với khối lượng vượt công suất so với hợp đồng đã ký khi các nhà máy xử lý hiện nay có nhu cầu chuyển đổi công nghệ và nâng công suất cao hơn so với hiện hữu để khuyến khích chuyển đổi công nghệ xử lý, đáp ứng tiến độ và chỉ tiêu liên quan đến công nghệ đã đề ra.

Đối với các dự án xử lý rác mới, TP.HCM kiến nghị thí điểm cho UBND thành phố được triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý CTRSH. Trong đó, thành phố giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (mà không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất). Đồng thời, thành phố sẽ đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy để xử lý CTRSH tại khu đất được giao.

Trước đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2050; Nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có công nghệ ép rác kín, hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị thì được sử dụng diện tích và dải cây xanh cách ly phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn TP.HCM.

Đồng thời, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TP.HCM vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTRSH cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đến năm 2025, khối lượng CTRSH phát sinh mỗi ngày tại TP.HCM là khoảng 12.500 tấn. Trong khi đó, công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt phát điện và tái chế hiện các doanh nghiệp đang triển khai và đề xuất triển khai là khoảng 10.000 tấn/ngày.

Nguyễn Quỳnh