Thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ Việt Nam với Australia và New Zealand
Trong nước - Ngày đăng : 21:32, 07/12/2022
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà đã trao đổi với phóng viên về kết quả chuyến thăm chính thức hai Đối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Milton Dick và Chủ tịch Thượng viện Sue Lines, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm chính thức Australia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Việt Nam tới Australia sau Đại hội XIII của Đảng, cũng như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV của Việt Nam. Bạn đánh giá rất cao chuyến thăm và đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài tới Australia sau khi bạn thực hiện cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2022.
Hai bên đã trao đổi rất sâu sắc những vấn đề trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược, từ chính trị, ngoại giao đến quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, cũng như hợp tác về giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân.
Bạn rất coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bố trí các chương trình làm việc ở mức độ cao nhất với tất cả các lãnh đạo cấp cao, từ hội kiến Toàn quyền đến hội đàm Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và hội kiến Thủ tướng Australia. Các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực khác nhau trong những ưu tiên quan hệ hai nước cũng đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội cũng như Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực lao động, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là một lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, nếu Australia có nhu cầu, Việt Nam sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy lao động theo kỳ nghỉ. Cùng với đó còn là những lĩnh vực đang là mối quan tâm chung của toàn cầu như: Chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây những lĩnh vực mà bạn có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Chúng ta cũng đã thống nhất với bạn tăng cường hợp tác trong ba lĩnh vực này.
Trong Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Quốc hội, bạn cũng nhấn mạnh những điểm để trao đổi, cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, hai bên cũng chia sẻ những mối quan tâm chung về hòa bình, an ninh và hợp tác khu vực: Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có hợp tác ASEAN và tiểu vùng Mekong…
Chuyến thăm đã để lại kết quả rất tốt đẹp. Bạn chuẩn bị rất chu đáo với chương trình làm việc đầy đặn, nội dung trao đổi sâu sắc. Bạn cũng nhấn mạnh hai bên cần tăng cường quan hệ trên tất cả các kênh, từ các kênh chính đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Trong hợp tác nghị viện, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác mới để thúc đẩy, tăng cường quan hệ trong bối cảnh tình hình mới sau khi nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược; khẳng định cam kết cùng nhau trao đổi và thúc đẩy nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh quan hệ chính trị, ngoại giao là nền tảng, quan hệ thương mại, đầu tư là động lực, quan hệ nhân dân là chất xúc tác để thúc đẩy quan hệ giữa Australia và Việt Nam lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Hai bên cũng đã bày tỏ nguyện vọng sớm trao đổi những nội hàm của mối quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, có thể nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới nhằm đáp ứng được nguyện vọng của hai bên, cũng như đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội?
Từ năm 2004 đến nay, tức là sau 18 năm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mới lại thăm chính thức New Zealand. Bạn rất coi trọng chuyến thăm, đã bố trí rất đầy đặn các hoạt động, ở cấp rất cao, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội, hội kiến với Thủ tướng và Toàn quyền New Zealand.
Việt Nam là Đối tác chiến lược duy nhất của New Zealand ở khu vực Đông Nam Á đến thời điểm hiện nay. Thời gian qua, quan hệ trong nhiều lĩnh vực được hai bên tích cực thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Chúng ta có cộng đồng người Việt ở New Zealand tuy không lớn nhưng được bạn đánh giá rất cao; bạn cũng ghi nhận sinh viên Việt Nam rất thông minh và hòa đồng xã hội sở tại.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, hai bên đều thể hiện quyết tâm mong muốn thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Phía Việt Nam đã tổ chức hai diễn đàn về hợp tác giáo dục, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư. Tại diễn đàn kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến đại diện hai Chính phủ trao đổi thỏa thuận. Theo đó, Việt Nam mở cửa thị trường để New Zealand xuất khẩu quả bí ngô và dâu tây vào Việt Nam. Trước đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand tới Việt Nam vào giữa tháng 11/2022, phía New Zealand cũng đã thông báo về mở cửa thị trường cho trái bưởi và chanh của Việt Nam.
Với bước đi như vậy, tôi cho rằng quan hệ thương mại và đầu tư, đặc biệt là việc mở cửa thị trường một số sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp cho nhân dân hai nước có những điều kiện để tăng cường sản xuất, cũng như góp phần tăng kim ngạch thương mại song phương.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác với hai nước, trong đó có Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Australia và New Zealand trong thời gian tới?
Trong chuyến thăm chính thức Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Hạ viện Liên bang Milton Dick và Chủ tịch Thượng viện Liên bang Sue Lines ký Thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn tiếp theo giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Liên bang Australia với các nội hàm hợp tác mới, sâu rộng hơn.
Sau khi thỏa thuận mới được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Australia, Cơ quan phụ trách về đối ngoại của Nghị viện nước bạn và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam sẽ trao đổi, cụ thể hóa những nội hàm hợp tác, để có kế hoạch triển khai một cách hiệu quả và thực chất những cam kết trong thỏa thuận này. Đặc biệt là trao đổi với bạn về kinh nghiệm lập pháp, xây dựng thể chế đối với những vấn đề mới mang tính toàn cầu, về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, nhất là chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Trong hợp tác với New Zealand, Việt Nam mong muốn cùng Quốc hội New Zealand nghiên cứu, xây dựng để sớm ký Thoả thuận hợp tác nhằm tạo khung pháp lý để hai bên thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, góp phần xây dựng tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand trong thời gian tới.
Với nền tảng của mối quan hệ song phương phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ kỳ vọng trước khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2025), Cơ quan lập pháp hai nước có thể ký thỏa thuận hợp tác.
Australia và New Zealand đều là hai Đối tác chiến lược rất quan trọng của Việt Nam ở Nam Thái Bình Dương. Hai nước đều gắn bó với khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á, Thái Bình Dương và có mối quan hệ chính trị, ngoại giao, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, thương mại đầu tư rất chặt chẽ với các nước trong khu vực này.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã góp phần tăng cường hợp tác giữa cơ quan lập pháp của Việt Nam với hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực cũng như thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp của Australia và New Zealand tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, cả Australia và New Zealand đều rất coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay. Trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, Australia, New Zealand đều là những thành viên rất quan trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả hai nước đều rất có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà!