COP15 hướng tới mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy tài chính bảo tồn đa dạng sinh học

Thế giới - Ngày đăng : 17:36, 07/12/2022

(TN&MT) - Ngày 7/12, tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15), khi các quan chức chính phủ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận để bảo vệ động vật hoang dã và các nguồn tài nguyên hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư mong muốn xây dựng một khuôn khổ cung cấp các mục tiêu, định nghĩa rõ ràng để thúc đẩy hành động bảo tồn đa dạng sinh học.
jt7h77r3wbjevksmzqztgskdtm.jpg

Tuyết phủ đầy những cây thông ở làng Seefeld, Áo. Ảnh: Reuters

Xây dựng khuôn khổ rõ ràng

Khi Hội nghị COP15 khai mạc tại Montreal (Canada), các lãnh đạo doanh nghiệp và tập đoàn đang thúc đẩy một thỏa thuận đầy tham vọng với các chính sách mạnh mẽ đưa ra hướng dẫn cho các công ty đang tìm cách thay đổi. Tại Hội nghị, tất cả 196 nước thành viên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng Sinh học cần phải đồng ý về cách tiến hành để đảm bảo có nhiều động vật, thực vật và hệ sinh thái hơn vào năm 2030 so với hiện tại.

Họ đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thống nhất về lựa chọn ưu tiên các mục tiêu môi trường, các công ty nên báo cáo rủi ro môi trường và các hoạt động của họ nên được điều chỉnh như thế nào.

Tamsin Ballard, người phụ trách môi trường và khí hậu tại mạng lưới Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (mạng lưới các tổ chức tài chính quốc tế do Liên Hợp Quốc hỗ trợ) cho biết: "Chúng tôi mong muốn có một khuôn khổ cung cấp các mục tiêu, định nghĩa rõ ràng để cho phép thực hiện hành động, qua đó, hỗ trợ xây dựng các dự án và tăng cường đầu tư cho thiên nhiên”.

Bà Whitney Sweeney, Giám đốc đầu tư bền vững của Công ty quản lý Quỹ Schroder cho biết, việc buộc các công ty lớn đánh giá và công bố tác động của họ đối với thiên nhiên và thu thập thêm dữ liệu sẽ là một bước quan trọng. “Để chúng ta thực sự hoàn thành vai trò là người quản lý tài sản, chúng ta cần hiểu rõ những rủi ro liên quan đến thiên nhiên”, bà nhắc lại lời kêu gọi từ hơn 330 doanh nghiệp vào tháng 10 vừa qua.

Ông Andre Hoffmann, Phó Chủ tịch của Roche Holdings cho biết, nhiều người ngạc nhiên khi thấy các doanh nghiệp kêu gọi chính phủ tăng cường quy định, nhưng rõ ràng cần phải có các quy định khuyến khích các doanh nghiệp xem xét lại mô hình kinh doanh của họ.

Thúc đẩy đầu tư tài chính vào thiên nhiên

Bên cạnh việc xem xét mô hình kinh doanh, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các giải pháp môi trường. Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các khoản đầu tư cho các dự án về đa dạng sinh học ngày càng ít và có quy mô nhỏ hơn, mặc dù, một nửa nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên và dịch vụ gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên. Cơ quan này cho biết, vào năm 2025, sẽ cần khoảng 384 tỷ USD mỗi năm cho các dự án liên quan đến thiên nhiên.

Ông Tony Goldner, Giám đốc điều hành của Lực lượng đặc nhiệm cung cấp các thông tin tài chính liên quan đến thiên nhiên cho rằng, thiên nhiên cần được coi là một loại tài sản và chúng ta cần đầu tư vào tài sản đó.

Theo ông Goldner, các hành động như cải thiện chất lượng đất, tăng cường mật độ cây xanh hoặc làm sạch các lưu vực nước đều mang lại lợi ích kinh tế. Nếu chúng ta áp dụng suy nghĩ đó vào thiên nhiên, sẽ dẫn đến các mô hình đầu tư vào thiên nhiên như cơ sở hạ tầng.

Mặc dù,nhiều công ty cho biết, họ cũng đang xem xét đầu tư cho đa dạng sinh học trong các khoản đầu tư của họ, nhưng theo khảo sát của Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường (CDP), chưa đến 50% trong số 7.700 công ty có động thái mới đối với vấn đề này trong năm nay, và hầu hết vẫn không nhận thức được tác hại do chuỗi cung ứng của họ gây ra.

Ông Martijn Wilder, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn và đầu tư về biến đổi khí hậu Pollination quan tâm đến việc tăng cường tài chính giúp giải quyết những thách thức đa dạng sinh học nhấn mạnh, hai năm trước, tất cả các chính phủ trên khắp thế giới đã cho rằng, cần đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào thiên nhiên, nhưng điều đó không xảy ra. Để kêu gọi tài chính, cần bắt buộc thay vì kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. 

Mai Đan