Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Xã hội - Ngày đăng : 20:13, 06/12/2022
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công Trung ương và địa phương, tăng thu tiết kiệm chi… với tổng nguồn vốn đạt 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. Khối lượng công việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng cũng lớn gấp 3 lần so với các giai đoạn trước.
Công tác giải phóng mặt bằng tập trung vào những điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông thuộc danh mục chỉ đạo của Ban Chỉ đạo có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, đi qua nhiều địa phương. Do vậy, yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xã hội, mặt trận Tổ quốc cùng chung tay vào cuộc và nỗ lực thực hiện đúng tiến độ bàn giao mặt bằng sạch, phục vụ thi công theo đúng tiến độ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận, chia sẻ, chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ. Các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận để người dân thấu hiểu, đồng thuận với chủ trương, phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với công tác đấu thầu, cần phải hết sức trách nhiệm, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực; tuyệt đối không chia nhỏ gói thầu, thông thầu, chuyển nhượng thầu sai quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư; cùng với đó, các Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm chính về tiến độ, chất lượng công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với công việc.
Tại Thông báo, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan chức năng liên quan, trong đó, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, chỉ đạo cụ thể từng gói thầu bảo đảm hoàn thành đưa vào khai thác đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật, cùng với đó, quyết liệt rà soát năng lực của các Ban quản lý dự án, kiên quyết sắp xếp, tổ chức, điều chuyển, thay thế ngay lãnh đạo khi không hoàn thành nhiệm vụ, tiến độ các công việc được giao.
Đồng thời, yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2022. Chủ trì hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải; đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án bảo đảm tiến độ yêu cầu.
Với những dự án trọng điểm như Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các đơn vị có phương án khắc phục các khó khăn, quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành theo đúng kết hoạch, nhất quyết không lùi thời gian hoàn thành các dự án. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, nhà thầu không hoàn thành tiến độ theo cam kết.
Về Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương sớm có phương án đảm bảo chuẩn bị cung ứng đủ vật liệu san lấp cho các dự án khu vực đồng sông Cửu Long. Theo đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành bàn giao 70% diện tích phục vụ khởi công tháng 12 năm 2022 theo Thông báo số 336/TB- VPCP ngày 25/10/2022. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai dự án.