Làm rõ tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đến Việt Nam

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:11, 06/12/2022

(TN&MT) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của Liên minh châu Âu (CBAM) và đề xuất chính sách thuế các-bon cho Việt Nam".

Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác về chuyển dịch năng lượng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam với ETP, được nêu trong Biên bản ghi nhớ giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng dịch vụ dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS).

anh-2.jpg
Bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á phát biểu tại Hội thảo

Trong thời gian từ tháng 11/2022 - tháng 1/2024, dự án sẽ đánh giá và tính toán các tác động của CBAM lên các sản phẩm xuất khẩu, quá trình chuyển dịch năng lượng, tác động đến toàn bộ nền kinh tế và việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các vấn đề liên quan đến việc hình thành thị trường các-bon trong nước và việc xây dựng chính sách thuế các-bon ở Việt Nam, dự án cũng sẽ đưa ra khuyến nghị nhằm đánh giá tính phù hợp và xây dựng lộ trình, chính sách thuế các-bon cho Việt Nam.

TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ ít phát thải, nhiều quốc gia đã áp dụng công cụ định giá các-bon, phổ biến là thuế các-bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ các-bon. Từ năm 2021, Nghị viện châu Âu đã đề xuất và xem xét áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) để bảo vệ các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) trước việc hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ các quốc gia có tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn (được gọi là rò rỉ các-bon).

anh-1.jpg
TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Phạm vi dự kiến áp dụng của Cơ chế CBAM sẽ bao gồm các ngành công nghiệp, dịch vụ trong Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của Liên minh Châu Âu (EU-ETS), nhằm đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu có phát thải khí nhà kính phải chịu cùng mức giá các-bon tương đồng với các hàng hóa nội địa, và loại bỏ nhu cầu phân bổ miễn phí thêm hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong thị trường.

EU dự tính sẽ áp dụng Cơ chế CBAM bắt đầu với các sản phẩm dễ tính tóa lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất, như: Thép, xi măng, nhôm, hóa chất… Tuy nhiên, dự kiến EU sẽ xem xét điều chỉnh, áp dụng phù hợp đối với sản phẩm nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia đã áp dụng công cụ định giá các-bon, có nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

 Đề xuất CBAM hiện đang ở giai đoạn cuối cùng của quy trình pháp lý trước khi Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua vào cuối năm 2022. Giai đoạn chuyển tiếp dự kiến bắt đầu vào năm 2023 và có hiệu lực vào tháng 1/2026. Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.

Ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh, việc xác định và đánh giá các tác động từ những chính sách quốc tế lên các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như cơ chế CBAM là nhiệm vụ cấp thiết. Các kết quả nghiên cứu từ dự án do ETP hỗ trợ triển khai sẽ giúp Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan nắm rõ tác động của Cơ chế CBAM; trở thành căn cứ để đề xuất, ban hành các chính sách kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng xuất khẩu liên quan. Đây cũng là cơ sở đề xuất chính sách, lộ trình thuế các-bon phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

cbam.png
Các sản phẩm nhập khẩu vào EU dự kiến bị áp thuế theo Cơ chế CBAM

Theo bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á, EU áp dụng cơ chế CBAM nhằm thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa các-bon. CBAM có thể gây nhiều khó khăn cho các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU, trong đó có Việt Nam. Thông qua dự án này, Việt Nam sẽ thí điểm đánh giá tác động của CBAM, tháo gỡ khó khăn cho những ngành hàng xuất khẩu sang EU cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây cũng là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác đối tác giữa ETP và các bên liên quan của Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu quá trình tham vấn về các phát hiện/các đề xuất với các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ.

917a9042.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về nhiều nội dung về các công cụ định giá các-bon trên thế giới và tại Việt Nam; cách tiếp cận thực hiện đánh giá tác động của Cơ chế CBAM đối với Việt Nam; nghiên cứu và đề xuất thiết kế và lộ trình cho việc áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam. Đây là tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu, đánh giá định tác động của CBAM về ngoại thương, kinh tế vĩ mô, tác động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng, NDC hay quá trình chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới.

Dự kiến, các sản phẩm chính của dự án bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động của CBAM và các khuyến nghị để giảm thiểu tác động tiêu cực, góp phần xây dựng kế hoạch giảm phát thải theo lĩnh vực và phát triển thị trường các-bon; Báo cáo nghiên cứu chuyên sâu phân tích các ý nghĩa và cung cấp các khuyến nghị về lộ trình và thiết kế hệ thống thuế các-bon tại Việt Nam.

Khánh Ly