Khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy

Môi trường - Ngày đăng : 15:33, 06/12/2022

(TN&MT) - Sáng 6/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.
dsc00451.jpg
Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Trong định hướng phát triển, đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh.

Ngành giấy vẫn luôn xác định bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.

dsc00457.jpg
Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra 1 tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn. Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7triệu tấn/năm, và dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Trước thực trạng đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu về kinh tế xanh, kinh tế cácbon thấp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày từ đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học về chính sách trong phân loại tại nguồn và tái chế chất thải rắn ở Việt Nam; những ưu điểm nổi bật của lò hơi tầng sôi trong xử lý bùn thải, cặn bột và rác thải rắn trong ngành giấy; kinh nghiệm của các nước sử dụng lò hơi tầng sôi trong việc đồng xử lý chất thải rắn trong các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp; nghiên cứu đồng đốt chất thải rắn trong lò hơi nhà máy giấy tại Công ty xưởng giấy Chánh Dương và Công ty Giấy VinaKraft; công nghệ lò hơi tầng sôi đốt đa nhiên liệu do Việt Nam sản xuất.

dsc00454.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Các chuyên gia đều cho rằng, ngành giấy là ngành sản xuất điển hình, phù hợp nhất với việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hầu như toàn bộ phế liệu, chất thải rắn từ quá trình sản xuất đều có thể thu hồi, tái chế, tái sử dụng tới 100%. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Để thực hiện được những điều này, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp thúc đẩy việc đồng xử lý này.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc khuyến khích đầu tư đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi nhằm tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện việc thiết kế chế tạo thiết bị và chế độ công nghệ cho việc đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi. Nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá, cấp phép cho các lò hơi với loại hình công nghệ này.

Hoàng Ngân