Thị trường đầu năm 2023: Nếu tín dụng thắt chặt, BĐS sẽ vẫn bế tắc
Bất động sản - Ngày đăng : 11:28, 06/12/2022
Nguồn cung giảm sút
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm mới nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm.
Nhìn lại năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.
Các khu vực có thị trường BĐS sôi động nhất cả nước trong năm 2022 như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng. Giá bán và giao dịch giảm sút mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam đưa ra nhận định, thị trường BĐS năm 2023 cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu mọi con đường dẫn đến dòng vốn không được khơi thông. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp BĐS chủ yếu phát triển từ huy động trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn chính tiếp tục bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối của thị trường vẫn là nguồn cung BĐS vẫn khan hiếm.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao, người vay mua nhà bao gồm cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng.
Vì vậy, sang năm 2023, nếu room tín dụng được mở sẽ giúp thị trường BĐS sôi động hơn so với hiện tại. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư BĐS nhỏ lẻ.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, lãi suất gia tăng, room tín dụng suy giảm, sự cố của các vụ phát hành trái phiếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn khi không thực hiện được các vụ phát hành mới để đảo vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư và người dân lại e dè trong việc ra quyết định mua nhà khiến đầu ra của thị trường BĐS bị ảnh hưởng.
Khi đầu ra bị ảnh hưởng, doanh nghiệp sẽ gặp nguy cơ gia tăng tồn kho, các khoản vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án trở thành nợ xấu… Ảnh hưởng sẽ dần lan rộng ra nền kinh tế khi hệ thống ngân hàng phải thực hiện các biện pháp mạnh để phòng chống tình trạng này.
Đề nghị nới room tín dụng
Tại thời điểm này, khi các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư đang rất khó khăn do không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Vì vậy, việc bổ sung vốn tín dụng lúc này là rất cần thiết.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Hiệp hội vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng thêm 1% (tương đương 100 nghìn tỷ đồng) để bổ sung thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm này nhằm mục đích bình ổn thị trường BĐS.
“Các giải pháp xử lý không phải là để “giải cứu” thị trường, doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý” - ông Châu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ kinh tế Sử Ngọc Khương cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường BĐS mới có diễn biến tích cực hơn. Vì vậy, sớm giải quyết các vấn đề về pháp lý; gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp BĐS; kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, BĐS... Đặc biệt, Chính phủ và các ngành liên quan cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, gồm giải ngân vốn đầu tư công, "bơm" tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu… cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS trong việc kết nối vùng, đô thị vệ tinh. Để phát triển các đại đô thị rất cần các dự án hạ tầng kết nối kinh tế vùng” - Tiến sĩ Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.