Văn phòng đăng ký đất đai góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, giúp địa phương phát triển bền vững

Đất đai - Ngày đăng : 10:37, 06/12/2022

(TN&MT) - Được ví như bộ mặt của ngành, hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh luôn được lãnh đạo ngành cũng như tỉnh hết sức quan tâm, đặc biệt trong thực hiện cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ. Quanh câu chuyện này, Phóng viên Báo TN&MT đã cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh.

PV: Xin ông cho biết hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Tĩnh hiện nay ra sao?

3-1-.jpg

Ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh

Ông Trần Hữu Khanh: Cách đây 10 năm, trước yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, đồng bộ và thống nhất về quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 17/4/2012 phê duyệt Đề án thí điểm thành lập “Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp” trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố.

Hiệu quả sau khi thực hiện thí điểm, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cũng được thành lập theo Quyết định 3544/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 và sửa đổi bổ sung tại Quyết định 1784/QĐ-UBND ngày 11/6/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 5/2019; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tại 13 huyện, thị xã và thành phố cũng được hình thành trên cơ sở tiếp nhận từ việc điều chuyển nguyên trạng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc thuộc Phòng TN&MT các huyện, thị xã và thành phố; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng một cấp Hà Tĩnh.

Thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả Văn phòng đã xây dựng đề án sáp nhập các chi nhánh và được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định 1784/QĐ-UBND ngày 11/6/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, số Chi nhánh của Văn phòng Đăng ký đất đai đã giảm từ 13 Chi nhánh xuống còn 7 chi nhánh; đồng thời được bổ sung về chức năng công nghệ thông tin.

Hiện nay, Văn phòng hoạt động theo mô hình chi nhánh liên huyện. Sau sáp nhập giảm bớt đầu mối, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động bảo đảm về số lượng, chất lượng, bố trí cán bộ phù hợp vị trí việc làm. Đặc biệt, kể từ ngày 01/01/2022, Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển sang tự chủ 100% chi thường xuyên.

Sau khi có Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ, Văn phòng Đăng ký đất đai đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thí điểm “dịch vụ miễn phí hỗ trợ cho tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính”. Kết quả, hỗ trợ 302 tổ chức và 530 cá nhân lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tất cả các hồ sơ hỗ trợ đều nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

PV: Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó việc thực hiện cải cách hành chính được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hữu Khanh: Tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng để nâng cao vị thế, vai trò và sự hài lòng của tổ chức, người dân liên quan đến mọi hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai. Mặc dù mới chỉ hơn 3 năm đi vào hoạt động, nhưng Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều đổi mới về tổ chức bộ máy và chuẩn hóa, ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò. Điểm nhấn đáng chú ý, hiệu quả về thời gian cũng như công tác quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích.

Trong công tác, chúng tôi xem hoạt động của Văn phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Ngành để nhắc nhở nhau không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nhân dân phục vụ, hiệu quả công việc cũng từ đó được nhân lên. Chỉ tính riêng từ khi thành lập đến hết năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trên 257 nghìn hồ sơ về đất đai đạt 100% trước hạn và đúng hạn (trong đó: có hơn 131 nghìn hồ sơ trước hạn đạt 52,17%; 125 nghìn hồ sơ đúng hạn).

Là một trong những địa phương đồi núi chiếm phần lớn diện tích, người dân đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhờ thực hiện việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nên đã giảm mức thu phí và lệ phí. Ngoài ra, hỗ trợ cho người dân lập hồ sơ trong quá trình thực hiện dịch vụ đo đạc, vì vậy hồ sơ người dân đã được giải quyết kịp thời, không phát sinh chi phí.

Việc cấp "sổ đỏ" nhanh cũng góp phần giúp người dân ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó các địa phương trong tình cũng có thể hoạch định chiến lược giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu giải nghèo bền vững của địa phương...

Có thể nhận thấy, việc hỗ trợ tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính đã làm giảm hoạt động môi giới giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương, tạo môi trường minh bạch. Mặt khác, Văn phòng đã bố trí bộ phận luôn tiếp nhận và cung cấp số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ mạng xã hội Facebook, Zalo để người dân và doanh nghiệp tiện liên hệ nhằm hỗ trợ và nhận phản ánh của tổ chức, công dân…

3-2-.jpg

Một góc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

PV: Thưa ông, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, Hà Tĩnh đã có những kiến nghị, đề xuất gì?

Ông Trần Hữu Khanh: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định “Khi Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp các dịch vụ thì người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc được cung cấp dịch vụ đó. Đối với thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm trả phí thẩm định hồ sơ và thẩm định các điều kiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận, trả phí đối với các công việc còn lại của thủ tục theo giá cung cấp dịch vụ công do UBND cấp tỉnh ban hành”.

Như vậy, khi người sử dụng đất đề nghị cung cấp dịch vụ thì phải trả phí thẩm định hồ sơ theo mức thu của Hội đồng nhân dân tỉnh và giá dịch vụ do UBND tỉnh quy định. Thực tiễn cho thấy, để tham mưu UBND tỉnh thu giá dịch vụ nhưng vẫn đồng thời với thu phí rất khó khăn nên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Bộ Tài chính có hướng dẫn cho các địa phương để thực hiện thống nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Cảnh (thực hiện)