Quảng Trị: Nhiều giải pháp chống sạt lở các dòng sông, bờ biển
Tài nguyên - Ngày đăng : 10:36, 06/12/2022
Bất an bên dòng Thạch Hãn
Chắc chắn người dân ở thôn Như Lệ (xã Hải Lê, TX. Quảng Trị) chưa quên, cách đây hơn một tháng, trận sạt lở đã xảy ra tại sông Thạch Hãn đi qua thôn Như Lệ khiến 3 căn nhà của người dân bị sập, trôi xuống sông, 1 người tử vong. Người dân nơi đây kể, thời điểm những tiếng ầm ầm của những căn nhà đổ sập xuống sông, mặt đất rung chuyển, họ vẫn đang sinh hoạt bình thường. Nước sông không lớn nhưng tốc độ sạt lở thì quá kinh hoàng.
Theo ông Phạm Bá Chung (thôn Như Lệ) - người bị mất nhà do sạt lở, trước đây khu vực này là một bãi đất rộng rất an toàn. Đây là nơi sinh hoạt cho cả làng, là nơi chiếu phim để người dân cùng xem. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây bờ sông ngày càng bị sạt lở, “liếm” vào sát móng, dù vậy, phần lớn bà con đều cố bám trụ trong những căn nhà rình rập hiểm nguy.
Còn tại xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong), người dân bảo rằng, sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn đã sạt lở vào đất liền khoảng vài chục mét, nỗi lo mất đất mất nhà luôn thường trực.
“Căn nhà của gia đình tôi đang ở đã xây cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, nhà cách bờ sông một khoảng khá xa. Tuy nhiên đến nay, từ mép bờ sông đến điểm đầu căn nhà chỉ còn cách khoảng chừng 3 mét”, ông Hồ Lữ (60 tuổi, trú thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang) nói.
Tương tự, người dân sống ở hai bên dòng sông Ô Lâu đoạn qua địa bàn xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cũng đang sống trong cảnh bất an.
Bà Dương Thị Muốn (78 tuổi, xã Hải Chánh) cho hay, sông Ô Lâu đoạn chảy qua xã đã sạt lở nhiều năm, thậm chí một bãi bồi rộng khoảng 5.000m2 đất ở giữa sông bị cuốn đi hết. Hai bên bờ sông đều bị nước “ngoặm sâu” vào trong đất liền khoảng 15 - 20 mét. Nhiều người dân ở đây cho biết thêm, dù một số đoạn sông đã được xây dựng bờ kè, tuy nhiên do bờ kè thấp hơn nhiều so với đất liền, nên mỗi khi gặp nước lũ lên cao, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
Khi được hỏi về nguyên nhân sạt lở, phần lớn người dân đều bảo rằng do tình trạng khai thác cát trộm gây ra. Đêm đến, tiếng máy nổ kêu ầm ầm dưới mặt sông. Bà con lý giải rằng, thuyền bè đến hút cát trong nhiều năm qua đã tạo ra những khoảng trống sâu hun hút trong lòng sông...
Hàng ngàn hộ dân ảnh hưởng
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh có 133,42km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; trong đó, có 26,96km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở đã ảnh hưởng đến hơn 4.520 hộ của 110 thôn, khu phố. Hiện có 800 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm (cách mép sông gần 20m).
Giai đoạn từ năm 2010 - 2021, khoảng 385ha đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bị tình trạng sạt lở cuốn trôi. Không những vậy, nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống hạ tầng cơ sở; trong đó, có 49,12km thuộc các tuyến đường giao thông; 74,8km thuộc công trình đê điều và các công trình văn hóa khác.
Ông Lê Quang Lam - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị cho rằng, sạt lở đã tác động đến cộng đồng rất lớn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, đặc biệt ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống dân sinh. Nếu không được khắc phục kịp thời, những tác động tiêu cực trên sẽ tiếp tục diễn ra. Thời gian qua, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng được 67,33km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường tại địa phương. Trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ, nạo vét, khơi thông dòng chảy tại một số trục tiêu thuộc các sông bị bồi lấp đảm bảo tiêu thoát lũ và phục vụ sản xuất...
Các địa phương phải xây dựng các phương án, các kịch bản ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra. Trước mắt, chúng tôi thường xuyên khảo sát, đánh giá để khoanh vùng các vị trí có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin đến người dân, chính quyền địa phương các vùng sạt lở di dời người, tài sản đến nơi an toàn mỗi khi gặp thời tiết bất lợi.
“Về lâu dài, trong nhóm giải pháp công trình, tỉnh sẽ lập dự án và triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhiều khu dân cư, hộ dân sống trong khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã được di dời đến các khu tái định cư khác sinh sống”, ông Lê Quang Lam thông tin thêm.