Làng quanh năm đỏ lửa

Xã hội - Ngày đăng : 22:18, 04/12/2022

Từ thành phố Thanh Hóa theo QL1A đi về phía Bắc khoảng 20km, chúng tôi về làng rèn Tất Tác thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá trong những ngày cuối năm, đây vốn là một trong những làng nghề nổi tiếng của xứ Thanh. Con đường nhỏ dẫn vào làng quanh co. Tiếng đe, tiếng búa thi nhau vang lên chan chát, từng viên gạch dưới chân cứ thế rung lên theo nhịp đập.

Nét đẹp văn hoá truyền đời

Ngay từ đầu làng, khi hỏi thăm Đền thờ Thánh tổ làng nghề Lê Cao Sơn, người dân làng rèn Tất Tác rất nhiệt tình chỉ giúp. Nhấp ngụm nước chè nóng hầm hập giữa trời đông giá buốt, các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia làng nghề xã Tiến Lộc gọi là làng rèn Tấc Tác – tên gọi của 3 làng: làng Sơn, làng Ngọ và làng Bùi. Từ xa xưa, nơi đây đã nổi tiếng với nghề rèn nông cụ và vũ khí chiến đấu. Cho tới ngày nay, người dân trong xã vẫn giữ được “lửa nghề” không bị mai một theo thời gian.

anh-1.jpg

Đền thờ ông Lê Cao Sơn – Thánh tổ nghề rèn

Làng rèn Tiến Lộc có bề dày lịch sử gần 300 năm, không ai biết làng biết chính xác nghề rèn đã có từ bao giờ. Họ chỉ truyền tai nhau câu chuyện về người đã mang nghề rèn về nơi đây lập nghiệp. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ông tổ nghề tên là Lê Cao Sơn - người đất Bắc di cư vào Thanh Hoá sinh sống. Ông đã lập nghiệp trên mảnh đất này, truyền nghề lại cho nhiều người dân trong làng. Từ đó, nghề rèn bắt đầu hình thành và bám rễ sâu trên mảnh đất này. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân xã Tiến Lộc đã lập đền thờ. Suy tôn ông là “Thánh Tổ nghề rèn”, cứ vào mùng 1 và Rằm hàng tháng miếu "Thánh Tổ nghề rèn" lại được mở cửa để dân làng lui tới dâng hương, tưởng nhớ công ơn của người khai sinh ra nghề rèn Tiến Lộc.

anh-2.jpg

Khát khao truyền lửa nghề rèn

Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, nghề rèn xã Tiến Lộc đã có những đóng góp vô cùng lớn trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bằng việc rèn các loại công cụ, vũ khí hỗ trợ chiến đấu. Đồng thời cũng là nơi cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp những người thợ tài ba trong lĩnh vực rèn, cơ khí.

Ông Đỗ Ngọc Anh (75 tuổi), nghệ nhân lâu năm trong làng chia sẻ: “Những năm đầu kháng chiến, làng chúng tôi được nhận mật lệnh rèn đao, mác, kiếm,…sau đó bí mật vận chuyển lên chiến khu Ngọc Trạo cho quân đội ta đánh giặc. Bên cạnh đó, làng còn là nơi ẩn náu cho chiến sĩ cách mạng khỏi sự truy sát của kẻ địch”.

Bền bỉ giữ tổ nghề

Nghề rèn vất vả, quanh năm phải tiếp xúc với hơi than độc hại. Nhất là trong những ngày hè oi bức, ngồi bên bếp than rực lửa với tiếng đe, tiếng búa chan chát bên tai, không phải ai cũng muốn gắn bó. Thế nhưng, hàng trăm năm nay làng rèn không mai một mà vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay. Góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước đưa các hộ dân từ đói nghèo đến đủ ăn, cải thiện cuộc sống.

anh-3.jpg
Vợ chồng anh Tuyên phải đeo tai nghe giảm tiếng ồn từ máy móc

Anh Trịnh Văn Tuyên (41 tuổi), nghệ nhân lành nghề trải lòng: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề rèn lâu năm. Nhà tôi ba đời làm nghề này, tôi đã được tiếp xúc với nghề rèn từ khi còn nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã gắn bó với nghề được 25 năm”.

Theo anh Tuyên, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, người thợ phải có tay nghề, kỹ thuật nhất là công đoạn tôi thép và làm nguội. Đầu tiên, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa tạo hình.

anh-4.jpg

Từng công đoạn đều được người nghệ nhân làm một cách tỉ mỉ

Các cụ ngày xưa có một kinh nghiệm để thử nhiệt độ thép nung đạt chuẩn hay chưa là lấy tay vục vào xô nước, nhỏ vài giọt lên bề mặt phôi thép. Nếu thấy nước biến thành các hạt nhỏ li ti là đủ độ. Nếu nung quá lửa, dao dễ bị mẻ, giòn, dễ vỡ. Do yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực của người thợ, vì thế người đứng lò hầu hết là các thanh niên trai tráng. Có thể nói có cải tiến máy móc, đầu từ của các hộ.

Nghề rèn của xã Tiến Lộc không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đang dạng sản phẩm, nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua bán của khách hàng. Sản phẩm của làng rèn xã Tiến Lộc có mặt khắp thị trường trong nước và cả thị trường Quốc tế như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ…Nghề rèn đã tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình trong xã, đồng thời, thu hút số lượng lớn người lao động từ các nơi lân cận tới làm việc.

z3933851280803_9a1c0a65223120e6b20b9cee5cc123af.jpg

Sản phẩm ra đời

Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trong xã, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 300-700 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ. Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày.

Chia tay những người dân làng nghề Tất Tác, những người quanh năm giữ lửa nghề để có những sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chất lượng, đáp ứng không những nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Chúng tôi cầu mong lửa nghề nơi đây sẽ được gìn gữi để lại cho muôn đời sau.

Tuyết Trang