Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH với nhiều điểm mới

Xã hội - Ngày đăng : 09:04, 11/05/2022

Trước những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH với nhiều điểm mới. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu đang được kỳ vọng có thể đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động.

Rút BHXH 1 lần: Thực trạng kéo dài

Cuối năm 2021, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi), trú tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần. “Dù biết rút BHXH một lần là thiệt thòi, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, lại không có khoản tích lũy, nên tôi khó có sự lựa chọn khác”, chị Hà nói.

Không riêng trường hợp nêu trên, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi tháng, cả nước có khoảng 60.000-70.000 người rút BHXH một lần, tập trung chủ yếu ở nhóm người dưới 30 tuổi do cần tiền để trang trải cho trước mắt. Thực trạng này kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, cũng như sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội.

Phân tích nguyên nhân thực trạng trên, Quản lý Chương trình phát triển con người của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Christophe Lemiere cho hay, rất ít quốc gia trên thế giới tạo điều kiện để người lao động rút BHXH một lần, trong khi Luật BHXH hiện hành của Việt Nam cho phép thực hiện điều này khá dễ dàng.

Hơn nữa, quy định thời gian tối thiểu tham gia BHXH để hưởng lương hưu hiện nay khá dài, lên tới 20 năm, khiến nhiều trường hợp không đủ điều kiện, khả năng để tham gia liên tục...

Nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ những điểm hạn chế, bất cập. Đó là chính sách BHXH được thiết kế tập trung ở khu vực kinh tế chính thức (người lao động có hợp đồng lao động), nên chưa thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Điều này lý giải vì sao, đến nay, nước ta còn hơn 30 triệu người, bằng gần 67% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH.

Chính sách hưu trí còn thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm người trong xã hội...

Những điểm mới được kỳ vọng tạo hành lang thông thoáng

Tới đây khi sửa Luật BHXH năm 2014, có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sẽ khắc phục dần tình trạng rút BHXH một lần.

Lộ trình giảm có thể xem xét chia làm 2 đợt - kéo giảm thời gian đóng xuống 15 năm, sau đó điều chỉnh còn 10 năm. Khi đó người lao động chỉ cần đóng 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ sẽ có thêm động lực để giữ khoản tiền BHXH đến khi về hưu. 

Với chính sách hưởng BHXH một lần, dự thảo đề án bổ sung nhiều điều khoản khuyến khích người lao động tiếp tục đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận “một cục”.

tu-van-bhxh-tu-nguyen.jpg
Truyền thông chính sách BHXH tới người lao động tự do tại tỉnh Bắc Giang

“Những điểm mới của chính sách BHXH được kỳ vọng tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi để nhiều người có thể tham gia liên tục, lâu dài, nhất là với nhóm lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề này, bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng Phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH, (BHXH Việt Nam) cho hay, theo quy định hiện hành, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội hưởng lương hưu là đủ 20 năm.

Điều này dẫn đến nhiều người lao động do có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích luỹ đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Đề xuất sửa đổi Luật BHXH lần này là thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, trong đó có mục tiêu: Đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu.

Do đó, việc sửa đổi giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu chính là để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động. Chính sách này sẽ tạo động lực để người lao động có niềm tin đóng BHXH, từ đó được hưởng lương hưu khi đủ tuổi để quyết định không rút BHXH một lần.

Nhiều quyền lợi ưu việt hơn chọn BHXH một lần

Cũng theo bà Lý Hoàng Minh, lương hưu có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống người lao động khi về già. Có lương hưu, người lao động không chỉ hưởng thêm tiền hàng tháng mà còn được cấp thẻ BHYT, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với số tiền khó đong đếm được, đặc biệt đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh điều trị dài ngày.

Thực tế, cơ quan bảo hiểm đã chi trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng để chữa trị cho những người hưởng lương hưu mắc bệnh hiểm nghèo.

Qua quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH từ trước đến nay, có nhiều người đã hưởng chế độ BHXH một lần từ rất lâu, khi về già, họ mong muốn nộp lại khoản tiền trợ cấp BHXH một lần đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không còn cơ hội vì pháp luật hiện hành không có quy định.

Như vậy, có thể thấy rõ việc người lao động được hưởng lương hưu sẽ có nhiều quyền lợi ưu việt hơn chọn nhận BHXH một lần.

"Do vậy, trước khi quyết định hưởng bảo hưởng BHXH một lần, người lao động hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.

Nhất là trong thời gian tới đây, người lao động sẽ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm", bà Lý Hoàng Minh nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong quá trình xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng luôn lắng nghe, tiếp thu chọn lọc ý kiến góp ý của các bên, bảo đảm quy định mới sẽ theo sát thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển.

Hồng Anh