Về đích xóa nhà tạm – Động lực phát triển trên rẻo cao Bắc Yên
Xã hội - Ngày đăng : 15:57, 01/12/2022
Huy động cả hệ thống chính trị chung tay xóa nhà tạm
Là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 13/15 xã thuộc khu vực 3, 76 bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn 37,75%, hộ cận nghèo 12,16%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thế chính trị - xã hội của huyện Bắc Yên đã quan tâm chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đó là: Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát để các hộ nghèo được an cư lạc nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Qua rà soát, toàn huyện có 313 hộ nghèo cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Yên đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc công tác xóa nhà tạm trên địa bàn các xã, thị trấn; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phối hợp với tổ công tác của Sở TN&MT rà soát hiện trạng đất của các hộ. Chỉ đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan đơn vị của huyện tổ chức họp bình xét, thẩm định danh sách các hộ đủ điều kiện để hỗ trợ làm nhà.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác chỉ đạo, phối hợp với các xã gặp gỡ từng hộ gia đình để xác định ý tưởng, kiểu cách làm nhà, chỉ đạo cơ sở xã, thị trấn phân công cán bộ phụ trách từng hộ gia đình. Đôn đốc, giám sát các hộ gia đình làm nhà với phương châm: Rõ đối tượng hỗ trợ, rõ cán bộ phụ trách, rõ phương thức thực hiện, rõ thời gian hoàn thành. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ gia đình làm nhà đảm bảo tiến độ. Báo cáo Thường trực huyện ủy về tiến độ thực hiện vào thứ 5 hàng tuần, để chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin để người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy nội lực, tự lực tự cường và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Tuyên truyền, vận động để đối tượng được hỗ trợ và cộng đồng dân cư hiểu rõ kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm chủ yếu là nguồn vốn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, sự đóng góp của cộng đồng dân cư, anh em, dòng họ..., để người dân phối hợp cùng thực hiện.
Phát động Phong trào thi đua “Bắc Yên chung tay xóa nhà tạm” trên toàn huyện. Huy động, quy tụ các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang từ huyện đến xã, bản cùng người dân đào nền nhà, hỗ trợ kinh phí, vận chuyến vật liệu, giúp dựng nhà, xây dựng công trình phụ...
Để mọi người dân đều được an cư...
Hồng Ngài, mảnh đất gắn liền với câu chuyện nổi tiếng về Vợ chồng A Phủ với hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Dịp này, Hồng Ngài có 13 hộ gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm.
Vui mừng khi được chuyển về ngôi nhà mới, anh Mùa A Chồng, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài không giấu được niềm xúc động: Trước đây, gia đình tôi ở trong căn nhà tạm, rất bé. Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa thì dột lắm. Khổ không biết để đâu cho hết, lúc nào cũng mơ ước có được ngôi nhà để những ngày mưa bớt khổ. May mắn được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà, được các đoàn thể giúp đỡ, gia đình tôi đã hoàn thành ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, và các ban ngành của tỉnh, của huyện.
Còn với ông Mùa A Páo, bản Ọ B, xã Tạ Khoa, hoàn cảnh gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn. Nay được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ căn nhà mới, không còn lo đổ, sập, mưa bão, ông Páo vui lắm, yên tâm sinh hoạt, sản xuất để ổn định cuộc sống.
Để về đích trước thời hạn trong công tác xóa nhà tạm, là kết quả từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đã kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức cá nhân hảo tâm. Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên 20 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 6,8 tỷ đồng, kinh phí gia đình tự đóng góp trên 11 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội.
Đến ngày 30/11, 100% hộ các hộ gia đình đã hoàn thành xây dựng nhà ở mới, diện tích sử dụng từ 30m2 - 100m2, đảm bảo 3 cứng (Khung- tường cứng, nền cứng và mái cứng), không làm từ các loại vật liệu tạm bợ, mau hỏng, dễ cháy. 100% các đối tượng được hỗ trợ là những hộ nghèo, sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc có người ốm đau kéo dài, chủ hộ là phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, không nơi nương tựa…
Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Đào Văn Nguyên phấn khởi: Đến nay huyện Bắc Yên đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Các hộ đã ổn định đời sống để vươn lên thoát nghèo, đó là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện thời gian tới.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện, bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn huyện Bắc Yên đó là: Phải căn cứ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân để thực hiện các nội dung, hình thức hỗ trợ. Thành công trong việc hoàn thành xóa nhà tạm đã thể hiện rõ quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Không chỉ dừng ở việc hỗ trợ nhu cầu tối thiểu về nhà ở, công tác xóa nhà tạm còn tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng.
Đặc biệt, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, thiện nguyện là bài học sâu sắc quyết định sự thành công của chương trình. Đây cũng là dịp để phát huy tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm năng lực công tác dân vận, năng lực làm việc với người dân và khả năng xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh ở cơ sở của cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Thực tế cho thấy ở đâu cán bộ nêu cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực, sâu sát, quyết liệt thì ở đó tiến độ, chất lượng nhà được đảm bảo.
Thời gian tới, huyện Bắc Yên sẽ tiếp tục vận động các hộ gia đình hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, quản lý tốt căn nhà được hỗ trợ, để phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài. Tiếp tục huy động xã hội hóa để hỗ trợ cây giống, con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... tạo việc làm để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Rà soát các hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát phát sinh (nếu có) ngoài Đề án đã phê duyệt, để tiếp tục thực hiện mô hình hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm “yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn”, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đưa Bắc Yên vươn lên phát triển.
Tại Chương trình công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đã ghi nhận, biểu dương những thành tích, sự nỗ lực, cố gắng mà Bắc Yên đã đạt được. Song, việc xóa nhà tạm mới chỉ là thành công bước đầu, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bắc Yên phải tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao thu nhập, tạo việc làm, để đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cấp ủy chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và người dân, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức về công tác xóa nhà tạm, an sinh xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tăng cường huy động sự tham gia của toàn xã hội hướng tới giảm nghèo bền vững, thông qua hệ thống chính sách để mọi người dân đều được hưởng lợi. Chủ động thực hiện các chính sách phát triển KT-XH liên vùng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng khó khăn. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đến với người dân...