Tăng cường vai trò của kiểm toán nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 15:08, 01/12/2022

(TN&MT) - Sáng 1/12, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước".

Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững,

1-1-.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết: Ngày nay, phát triển bền vững gắn với quản lý tài nguyên và bảo vệ mội trường không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà nó đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và là yếu tố sống còn quyết định đến sự phát triển bền vững của nhân loại. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường sống.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng xác định kiểm toán lĩnh vực này là một trong các hoạt động ưu tiên. Cụ thể, Kiểm toán nhà nước đã thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường từ năm 2008; thực hiện các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững; kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020; kiểm toán Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021;…

Qua đó, Kiểm toán nhà nước đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường. Tuy nhiên, kiểm toán môi trường hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng.

1img_0222.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số tham luận với nhiều nội dung quan trọng như: Thực trạng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới; kết quả kiểm toán công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2018-2022; kiểm toán môi trường và vai trò của Kiểm toán nhà nước; kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng và một số vấn đề đặt ra.

Sau khi trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; kế hoạch kiểm toán cần tiếp tục tập trung ưu tiên những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường tiền kiểm như kiểm toán ngay từ khâu cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, kiểm toán công tác đánh giá tác động môi trường trong khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư xây dựng mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các dự án đầu tư trọng điểm và các dự án đầu tư lớn khác. Từ đó, có các kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường, phát triển bền vững.

Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng cần tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu về kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và quản lý khai thác tài nguyên. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán.

Hoàng Ngân