Sơn La: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí

Môi trường - Ngày đăng : 08:43, 01/12/2022

(TN&MT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng Kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định cụ thể đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh và đề xuất nội dung liên quan đến việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Phê duyệt đề cương- dự toán nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Sơn La. Rà soát, tham mưu ban hành Chương trình Quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

1.jpg

Sơn La tăng cường quan trắc chất lượng môi trường không khí.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các chủ sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Rà soát, thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường.

Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí nhằm ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm.

Trong năm 2022, các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư thay thế 10 xe buýt mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hạn chế ô nhiễm không khí. Đẩy mạnh kiểm định các phương tiện, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo quy định. Các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải, thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với tổng chiều dài hơn 18.000km.

2.jpg

Các tuyến xe bus được quan tâm đầu tư thay thế, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hạn chế ô nhiễm không khí.

Các địa phương cũng đã tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các chủ dự án thực hiện đúng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong giai đoạn phá dỡ, thi công, có phương án che chắn bảo đảm chống bụi. Đối với chất thải rắn, quản lý hoạt động thu gom, thải rác sinh hoạt đúng nơi quy định. Tiến hành vệ sinh, khơi thông cống rãnh, tránh ứ đọng nước thải làm phát sinh nguồn ô nhiễm vào môi trường không khí. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định về thiết kế mỏ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh công nghiệp.

Cùng với đó, trong quá trình thẩm định các thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường, tỉnh luôn khuyến khích các chủ dự án đầu tư nghiên cứu, áp dụng các mô hình xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải rắn, tăng cường tái chế các phụ phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các hộ gia đình, khu vực nông thôn để tái sử dụng, làm phân compost.

Các cơ sở chăn nuôi tập chung cơ bản đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải bể biogas. Với chăn nuôi nông hộ đã xây dựng trên 3.000 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas; 196 hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, góp phần hạn chế mùi, bảo vệ môi trường không khí.

Nguyễn Nga