“Vàng xanh” giúp người Dao ở Văn Yên thoát nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 20:30, 25/11/2022

Chỉ 4 năm trồng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cây quế được người Dao của huyện Văn Yên (Yên Bái) mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Dao và cũng là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Để các sản phẩm từ quế vươn xa, hiện nay, huyện Văn Yên đang mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường và đưa ra thị trường sản phẩm sạch đảm bảo chất lượng.

Giúp người dân thoát nghèo

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định cây quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xoá đói giảm nghèo. Vì vậy, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Văn Yên đã chú trọng phát triển vùng trọng điểm cho cây quế. Trong đó, huyện chú trọng phát triển cây quế theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm từ quế và mở rộng thị trường.

anh-1(1).jpg

Huyện Văn Yên có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Châu Mỹ

Thời gian qua, huyện đã vận động người dân trồng quế theo từng vùng và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương. Đến nay, huyện còn có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.

anh-2(1).jpg

Cây quế giúp người dân huyện Văn Yên thoát nghèo bền vững

Ông Nông Đức Thao – thôn Trạng, xã Yên Thái, huyện Văn Yên chia sẻ: “Gia đình tôi có 10ha quế, tôi cũng tham gia dự án của Công ty Olam Việt Nam trồng quế theo hướng hữu cơ. Khi tham gia chúng tôi được lợi rất nhiều từ dự án, khi giá quế ở ngoài thị trường xuống thấp thì quế của gia đình tôi vẫn ổn định. Cùng với đó Công ty đã hướng dẫn cho gia đình chăm sóc quế theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường”.

Trước đây, các sản phẩm từ quê quế hầu như chỉ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng khi nhận thấy sức tiêu thụ trong nước tăng cao và thị trường châu Âu, Châu Mỹ có nhu cầu mua sản phẩm quế lớn, giá mua cao hơn, các công ty Hương gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Vicimex…đã cùng người dân hình thành vùng trồng quế hữu cơ tại Văn Yên.

Cây quế ở vùng đất Văn Yên đã trở thành một thương hiệu rất nổi tiếng. Các sản phẩm được sản xuất từ cây quế ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm từ quế của huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cùng với đó, 16 sản phẩm được chế biến từ quế được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2021 huyện đã xây dựng một dự án liên kết theo chuỗi giá trị quế hữu cơ trên địa bàn huyện, quy mô 1000ha tại xã Đại Sơn.

Ông Đoàn Anh Khôi – Công ty Olam Việt Nam tại huyện Văn Yên cho biết: Quế Văn Yên từ trước đến nay vẫn là thương hiệu rất nổi tiếng, chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng quế Văn Yên, đặc biệt về sản lượng và chất lượng tinh dầu. Công ty chúng tôi sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu trên thế giới và hiện tại quế Văn Yên đang đóng góp 70% nguồn nguyên liệu cho Công ty. Hiện Công ty đã và đang giới thiệu mặt hàng quế Văn Yên tới các chuỗi siêu thị tại Mỹ và Châu Âu, sản phẩm chúng tôi đưa tới các nước là quế điếu, quế bột.

Mở rộng diện tích

Với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, Văn Yên đang đẩy mạnh phát triển cây quế, đặc biệt mở rộng vùng quế hữu cơ. Đây cũng là cơ hội, động lực giúp người dân Văn Yên nâng cao vị thế cây quế, tạo dựng, nâng tầm thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Sự thay đổi về phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang trồng trọt hữu cơ không chỉ giúp năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm quế tại Văn Yên tăng mạnh, mà còn giúp địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

anh-3(1).jpg

Người dân trồng quế theo hướng hữu cơ hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường

Đặc biệt là Cây quế hữư cơ đang cho lợi ích kinh tế vượt trội. Bình quân mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.800 m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn mang lại doanh thu lớn và riêng năm 2021, thu nhập từ quế đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Hà Đức Anh – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Huyện đã và đang tập trung triển khai một số các giải pháp, xây dựng các vùng chuyên canh cây quế, trọng tâm là các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý, huyện sẽ chú trọng tới sản xuất quế hữu cơ và các sản phẩm quế sạch. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, quảng bá và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm quế do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Cùng với đó, kiểm soát tốt nguồn cung ứng giống và áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại quế, kiểm soát tốt các sản phẩm đầu ra của quế để đảm bảo giữ vững thương hiệu quế Văn Yên.

anh-4(1).jpg

Các sản phẩm từ quế của huyện được xuất sang các thị trường lớn châu Âu, Châu Mỹ

“Thời gian tới, Huyện tiếp tục hỗ trợ, vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp, đưa cây quế Văn Yên vươn xa và vững vàng trên thị trường quốc tế”, ông Hà Đức Anh nói.

Toàn huyện hiện có trên 52.000ha quế phân bố ở khắp 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, có 25.357ha quế được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn và Mỏ Vàng. Huyện có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu, châu Mỹ, trong đó Công ty Hương gia vị Sơn Hà 2.500ha, Công ty Olam Việt Nam 1.500ha và Công ty Vicimex 500 ha.

Thanh Ngà