Dồn lực để đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 18:41, 30/11/2022
Tạo mọi điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Tại Hà Nội, gần đây nhất, ngày 26/11, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội đã phối hợp với Bưu điện TP. Hà Nội tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hiện tại 30 quận, huyện của Thủ đô đã phủ khắp cán bộ thu với gần 1.000 điểm thu và 1.300 nhân viên tuyên truyền và phát triển bảo hiểm xã hội BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.
Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 03 của HĐND TP. Hà Nội, từ ngày 1/8 - 31/12/2022 ngoài mức hỗ trợ của nhà nước, người tham gia BHXH tự nguyện còn được ngân sách thành phố hỗ trợ thêm % mức đóng theo mức chuẩn nghèo nông thôn.
Theo thống kê của BHXH TP. Hà Nội, tính đến ngày 31/10, số người tham gia BHXH tự nguyện là 68.350 người, tăng 13.779 người so với cùng kỳ năm 2021. Hiện trên địa bàn có 7.565.713 người đã tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,9%, tăng 249 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.
Để đạt mục tiêu của năm 2022, BHXH TP. Hà Nội ngoài việc giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho các tổ chức dịch vụ thu BHXH, cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu quận, huyện ủy và chính quyền địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách huyện. Bên cạnh đó, kêu gọi các tổ chức, hội đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tại tỉnh Hưng Yên, BHXH tỉnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt và đa dạng đến với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, trong đó hình thức vận động trực tiếp theo mô hình nhóm nhỏ tại thôn, xóm được tập trung đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh Hưng Yên có 13.177 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.137.481 người tham gia BHYT; tăng 14.753 người (1,3%) so với tháng 12/2021; đạt 98,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Về phía BHXH TP. Đà Nẵng cũng vừa phối hợp với Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho gần 600 lao động Công ty TNHH DaiWa Việt Nam. Thông qua hội nghị, nhiều thắc mắc của người lao động liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được giải đáp kịp thời.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng cho biết, hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động (NLĐ) về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và có thể tự bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân trong quá trình tham gia các quan hệ lao động.
Đối với tỉnh Trà Vinh, cơ quan BHXH tỉnh cũng vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tại hội nghị, đã thu hút nhiều người tham gia mới BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết, để phát triển đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm, cán bộ công chức BHXH tỉnh đã tư vấn cặn kẽ cho người dân lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của từng gia đình, nhằm đảm bảo tính duy trì liên tục trong việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội
Bên cạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cơ quan BHXH địa phương cũng rốt ráo thu hồi nợ. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, tình trạng nợ BHXH, BHYT hiện đang diễn ra khá nhiều. Số đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ từ 1 tháng trở lên đến gần 48.700 DN, chiếm 47,47%. Trước thực trạng trên, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH để giám sát các DN nợ BHXH, có phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi NLĐ…
Tại Thừa Thiên Huế, cơ quan BHXH tỉnh cho biết, đơn vị vừa ban hành văn bản gửi Cục Thuế tỉnh đề nghị quan tâm, phối hợp thực hiện đôn đốc, thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn.
Cần tăng chế tài xử phạt doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội
Một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm, nợ bảo hiểm xã hội mà Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất đó là tăng chế tài xử phạt các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, lợi dụng các quy định của pháp luật để “lách” như giảm số lượng lao động so với số thực tế, giảm tiền lương ghi trong hợp đồng lao động so với lương thực nhận của người lao động…
Theo BHXH Thừa Thiên Huế, đến ngày 18/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 412 doanh nghiệp chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền gần 74 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đề nghị Cục Thuế tỉnh trong quá trình thực hiện công tác thanh kiểm tra về thuế yêu cầu đơn vị chuyển nộp kịp thời cho cơ quan BHXH số tiền còn nợ và đưa nội dung yêu cầu đơn vị thực hiện chuyển nộp đầy đủ số tiền phát sinh hàng tháng và số tiền còn nợ cho BHXH tỉnh vào kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.
Đồng thời, hàng tháng, Cục Thuế tỉnh thông báo cho BHXH tỉnh kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với DN về lộ trình chuyển trả số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói trên.
Theo Nghị định 12/2022/CP-NĐ ngày 17/1/2022 của Chính phủ, mức xử phạt đối với DN cho mỗi hành vi như trốn; chậm, nợ BHXH tối đa chỉ là 75 triệu đồng. Mức phạt này còn mang tính bình quân hóa, chưa đủ mức răn đe. Vì vậy, cần phải có chế tài cho việc chấp hành nộp phạt, bởi theo BHXH Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, cơ quan BHXH mới chỉ thu được khoảng 38,6% tổng số tiền xử phạt hành chính.