Đà Nẵng: Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ di sản thiên nhiên theo Luật BVMT

Môi trường - Ngày đăng : 18:39, 30/11/2022

(TN&MT) - Chiều 30/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Đà Nẵng phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Trung tâm truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo khoa học về nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ di sản thiên nhiên, một nội dung và quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều điểm mới quan trọng, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, lần đầu tiên, nội dung quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên được quy định tổng thể, đồng bộ trong Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022.

thiennhien1.jpg
Quang cảnh Hội thảo 

Điều này góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý vô cùng quan trọng đối với quản lý tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong quá trình phát triển bền vững đất nước, không đánh đổi môi trường, thiên nhiên, tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và phát huy giá trị của thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, đại diện Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng, trong Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, thành phố ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường và chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

sontra.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chưa được công nhận di sản thiên nhiên theo quy định

Hiện trên địa bàn thành phố có di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn và di tích lịch sử cấp quốc gia Hải Vân Quan, còn Khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân chưa được công nhận di sản thiên nhiên theo quy định.

Tuy nhiên một số địa phương, ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý các khu vực nói trên chưa nắm rõ các quy định; còn gặp khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trung ương, địa phương cũng như thực hiện việc điều tra, đánh giá, quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo yêu cầu thực tiễn.

sontra2-1-.jpg
Việc đưa Luật BVMT vào bảo vệ di sản thiên nhiên sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển

Tại hội thảo, TS. Trần Thị Kim Tĩnh, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị điều tra, đánh giá và cách xác định di sản thiên nhiên như: xác định các thiệt hại về hệ sinh thái, loài và phục hồi hệ sinh thái, loài (nếu có) trong các dự án của thành phố; thực hiện quy định về kiểm kê, đánh giá vốn tự nguyên (xác định dịch vụ hệ sinh thái, tài nguyên nước, rừng...) trong phạm vi khu vực thuộc quản lý của thành phố; thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Đồng thời, lồng ghép nội dung bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngành và các chiến lược, chương trình phát triển của ngành; quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên các khu vực di sản thiên nhiên hoặc quy hoạch di sản thiên nhiên trên địa bàn thành phố.

Lan Anh